Xác định đúng vai trò chủ thể của con người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiệm vụ đầu tiên mà Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII đặt ra là "Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới", sau 15 năm thực hiện, nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cho rằng, cần có Nghị quyết mới làm "kim chỉ nam" để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Vẫn còn nét buồn

 

Không thể phủ nhận, sau 15 năm nỗ lực và tâm huyết với nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam, tính chủ động, sáng tạo và sự tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội của người dân đã được phát huy đáng kể. Song, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn nhìn nhận: "Nhìn lại 15 năm qua, có thể thấy xây dựng con người là lĩnh vực không đạt được nhiều thành tựu. Chúng ta đặt ra 5 đức tính tiêu biểu của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới là yêu nước, tự cường, đoàn kết, trung thực, tích cực học tập... Nhưng người Việt bây giờ rất sính hàng ngoại, một số thanh niên truyền nhau chiêu trò trốn nghĩa vụ quân sự và đau lòng nhất là bệnh thiếu trung thực". Ngay cả ở Thủ đô, nơi được ghi nhận và đánh giá cao với phong trào xây dựng "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", cũng vẫn còn vương lại những biểu hiện chưa hài lòng. Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Tô Văn Động thừa nhận: "Bên cạnh kết quả và thành tựu đạt được, nét đẹp thanh lịch của người Tràng An đang bị ảnh hưởng bởi lối sống văn hóa ngoại lai, thực dụng lấn át..."

 
Phong trào xây dựng “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch” đã góp phần định hình và phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.    Ảnh: XUÂN THÀNH
Phong trào xây dựng “Người Hà Nội văn minh, thanh lịch” đã góp phần định hình và phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Ảnh: XUÂN THÀNH
Mổ xẻ tình trạng này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là nhận thức chưa đúng về nhân tố con người trong phát triển. Trước đây, xã hội Việt Nam lạc hậu nhưng tình người và đạo lý rất được coi trọng. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã coi nhẹ cá nhân, nhiều quyền cơ bản của con người không được tôn trọng... Đồng quan điểm này, TS Phạm Duy Đức (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cũng lý giải: "Sở dĩ 15 năm qua, chúng ta chưa thành công trong việc xây dựng con người phát triển toàn diện vì chúng ta chưa nhận ra được những thách thức của sự biến đổi trong thời kỳ hội nhập".

 

Cần một Nghị quyết mới?

 

Hướng đến việc xóa nhòa những nét buồn còn hiện hữu trong việc xây dựng con người Việt Nam, GS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư nhận định: "Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu, phải có một bộ luật đạo đức". GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, Nghị quyết T.Ư 5 cơ bản là đúng đắn, sâu sắc. Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thực hiện, cũng đã đến lúc cần "lên dây cót" lại bằng một Nghị quyết mới, nhưng vẫn phải dựa trên nền tảng của Nghị quyết T.Ư 5. Trong đó, vấn đề xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới nên được coi là vấn đề cấp bách, trọng tâm. Và để "văn hóa thấm sâu, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp" cần xác định đúng vai trò chủ thể của con người.

 

Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng: "Xuất phát từ thực tiễn và lý luận của công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, Bộ VHTT&DL đề xuất Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI xây dựng, ban hành một Nghị quyết mới về văn hóa, vừa kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử của Nghị quyết T.Ư 5, vừa bổ sung những phương diện lý luận mới, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn, xu thế của thời đại". Đồng thời, ngành sẽ đề xuất T.Ư phê duyệt một đề án về xây dựng nhân cách văn hóa và hệ giá trị Việt Nam trong chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.