70 năm giải phóng Thủ đô

Xác định nhiều giống lúa triển vọng

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, Trung tâm phát triển nông nghiệp Hà Nội (Trung tâm) luôn chú trọng khảo nghiệm, thử nghiệm các giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất đại trà, phù hợp điều kiện sinh thái, canh tác của Hà Nội.

Năm 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành khảo nghiệm so sánh, khảo nghiệm sản xuất, sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới. Kết quả, Trung tâm đã xác định được một số giống có tiềm năng cho năng suất cao đạt trên 70 tạ/ha, gồm: ĐHS15, HN01, HN17, HN18, HN02. Các giống này có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh hại. Đặc biệt, kháng bệnh bạc lá, đạo ôn tốt hơn giống đối chứng là Bắc thơm số 7, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với cơ cấu các vùng sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm 13 giống lúa chất lượng. Kết quả khảo nghiệm đã xác định các giống lúa mới có triển vọng như: TBR225, ĐHS15, VNR20, ĐH12, Tân ưu 98, Gia lộc 35. Các giống này đều có đặc tính ưu việt chống đổ tốt, chống chịu khá tốt với một số sâu bệnh hại chính, năng suất cao.

Năm 2020, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử nghiệm giống lúa mới trên diện tích 50ha (khảo nghiệm sản xuất 20ha, sản xuất thử nghiệm 30ha) tại 3 xã: Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), Đỗ Động (huyện Thanh Oai), Hát Môn (huyện Phúc Thọ) được thực hiện theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng giống lúa” QCVN01-55:2011/BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Qua theo dõi, đánh giá các giống lúa khảo nghiệm sản xuất năm 2020, Trung tâm đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội bổ sung giống lúa Tân ưu 98 vào cơ cấu giống lúa năm 2021, đưa ra sản xuất thử các giống lúa ĐHS15, VNR20 để theo dõi, đánh giá giống trên diện rộng.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, hiện nay, toàn TP có hơn 172.400ha sản xuất lúa với cơ cấu giống lúa: Nhóm lúa chất lượng cao chiếm 53,8%; nhóm lúa thuần năng suất chiếm 32,2%; nhóm lúa lai chiếm 7,4%; nhóm lúa khác chiếm 6,6%. Những năm gần đây, một số giống lúa của Hà Nội đã có biểu hiện thoái hóa, mẫn cảm với một số sâu bệnh hại. Do đó, Trung tâm luôn chú trọng công tác khảo nghiệm, thực nghiệm sản xuất để tìm ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh hại. Đây là việc cần thiết để mỗi giống lúa mới khi sản xuất đại trà có tính ổn định, đạt kết quả lâu dài trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một phức tạp.