Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xác định rõ giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi.

Về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, qua nghiên cứu kỹ lưỡng thực tiễn triển khai tại Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng Dự Luật đã quy định tương đối rõ ràng việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước; đồng thời chỉnh lý, quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Về phân công quản lý nhà nước với dịch vụ tin cậy, Thường trực Ủy ban đề nghị chỉ giao một cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin cậy, trong đó bao gồm dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính nguyên vẹn của thông điệp dữ liệu; bổ sung nội dung chuyển tiếp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại…

Khẳng định đây là Dự án Luật được coi là “Hiến pháp” của chuyển đổi số, bởi chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi số đạt được 20% GDP, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, Dự án Luật là một trong những nền tảng quan trọng đạt được mục tiêu chuyển đổi số là một trong những động lực để phát triển đất nước.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, qua rà soát cho thấy có nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, nên cần cân nhắc tính khả thi của những quy định trong Dự Luật. Đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất là phải xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử để đi vào thực tiễn, đặc biệt là thuận tiện, không phát sinh thủ tục, không phát sinh các chi phí về bộ máy, chi phí về con người, chi phí về thiết bị…

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu ý kiến tại hội nghị
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu ý kiến tại hội nghị

Đại biểu cũng quan tâm đến việc bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong Dự Luật này, bởi thực tiễn thời gian qua rất nhiều hoạt động lừa đảo, thậm chí là tội phạm trên môi trường mạng nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được nhất là trên môi trường điện tử. Vì vậy, việc rà soát để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tránh việc lợi dụng là cần thiết; rà soát hệ thống có bảo đảm an toàn, tránh bị xâm nhập.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn tỉnh Đắk Nông) cũng nhấn mạnh đây là Dự án Luật rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tội phạm mạng đang lộng hành trên không gian mạng. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng, làm rõ khái niệm “chứng thực” để có sự phân biệt rõ ràng với các trường hợp khác được sử dụng trong các văn bản khác.

Về tổng thể, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) đề nghị tiếp tục nghiên cứu rà soát kĩ về ngôn ngữ kĩ thuật lập pháp, khái niệm từ ngữ để người dân hiểu và thực hiện thuận lợi; đồng thời, tiếp tục rà soát kĩ hơn để bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị bổ sung làm rõ Dự Luật theo hướng bên cạnh quy định về việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, còn quy định về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt, các khâu đoạn trong quá trình từ khi giao dịch được hình thành cho đến khi giao dịch chấm dứt.

Báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về phạm vi điều chỉnh, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là dựa trên cơ sở kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam đã sẵn sàng, đảm bảo tin cậy. Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định pháp lý cần thiết để quy định về việc giao dịch điện tử mở rộng.