Lãnh đạo nhiều nơi chiếm đến 50%
Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Đoàn tỉnh Bình Định) băn khoăn về đề án vị trí việc làm đang được xây dựng, dù nỗ lực nhưng vẫn tồn tại bất cập. Chất lượng và sự phù hợp vị trí việc làm để tạo động lực, đảm bảo chất lượng hoạt động bộ máy hoạt động còn rất bất cập. Nhiều đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, nhưng tỷ lệ lãnh đạo, quản lý vẫn rất cao.
“Có nơi lãnh đạo chiếm 50% trong bộ máy, nhiều đơn vị không có nhân viên. Người làm chuyên môn và lãnh đạo cần cân đối" - đại biểu Đồng Ngọc Ba thông tin và đề xuất cần rà soát, đánh giá lại chất lượng vị trí việc làm trong bộ máy, cùng đó thực hiện chính sách cải cách tiền lương.
Bên cạnh đó, theo phản ánh cán bộ, công chức, nhiều đơn vị có công việc nặng, quan trọng nhưng lo thu nhập sẽ giảm khi chế độ tiền lương mới thực hiện. Hiện, ngoài lương còn có các thu nhập khác, nhưng theo chính sách cải cách tiền lương thì sẽ chỉ còn lương.
"Từ lâu chúng ta đã đổi mới, cải cách và tinh giản và đổi mới cải cách tiền lương theo hướng tăng lương thực tế. Nhưng tới đây có thể thu nhập của họ sẽ giảm. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, song đây là lo ngại thực tế của người lao động, chỗ này có thể liên quan do vị trí việc làm chưa ổn" - đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu quan điểm.
Lương nhà giáo được xếp cao nhất
Thảo luận tại tổ trong phiên họp Quốc hội ngày 23/5, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, cử tri ngành giáo dục đề xuất việc cải cách tiền lương cần được thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, là lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương của các ngành nghề hưởng lương từ ngân sách.
Đại biểu đề nghị lương của nhà giáo bằng với lương của lực lượng vũ trang quân đội, công an, hoặc đứng đầu so với lương của các ngành hành chính sự nghiệp.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri gần đây nhất, về việc thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7 tới, việc dự thảo bảng lương cũng như chính sách khi thực hiện Nghị quyết 29, cử tri chưa thấy có bất kỳ tin chính thống nào được đưa ra, nhưng trên mạng xã hội lan truyền bảng dự thảo Tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới.
Qua tham khảo thông tin trên mạng, thì việc đưa ra phân cấp theo nhóm trong bảng lương trong vị trí việc làm chức danh lãnh đạo còn chưa thật sự tương xứng với công việc mà các đối tượng đang thực hiện.
Việc tăng lương cũng chưa được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới. Theo các thông tin trên mạng, đối tượng được tăng lương nhiều nhất lần này là ngành Y tế và Giáo dục, do đó các chi phí dành cho việc này sẽ tăng cao. Như vậy, so với quan điểm của Nghị quyết tiền lương là nguồn thu nhập chính đảm bảo đời sống của người lao động và gia đình liệu có thật sự khả thi hay không?
Qua các cuộc tiếp xúc, cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trước khi ban hành bảng lương chính thức, cần thông tin cho các đối tượng được hưởng lương biết một cách rõ ràng, chính xác quan điểm, thấy được việc cải cách tiền lương là đúng đắn, tránh việc gây hoang mang và không yên tâm công tác.
Cử tri nêu việc nâng lương cho đội ngũ cán bộ y tế và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chất lượng giáo dục là đáng mừng, nhưng việc nâng lương cho 2 ngành này là từ ngân sách Nhà nước hay nguồn tự chủ? Nếu là nguồn tự chủ với ngành y tế thì người bệnh phải đóng thêm số tiền lớn, với người không có bảo hiểm y tế càng khó khăn, thậm chí “chờ chết” chứ không có tiền đi bệnh viện.
Với ngành giáo dục, chi phí tự chủ nghĩa là học sinh phải đóng học phí theo quy định của các trường công lập, sẽ gây khó khăn cho phụ huynh bởi hầu hết là con cán bộ, công chức, viên chức có lương, phụ cấp rất thấp. Với bậc đại học tự chủ như hiện tại, nhiều cháu cũng phải bỏ giấc mơ đại học để đi kiếm sống vì gia đình không có điều kiện.
Tâm lý tăng lương dẫn tới tăng chỉ số giá tiêu dùng
Cùng mối quan tâm về cải cách tiền lương từ 1/7, qua theo dõi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, bản chất của tăng lương là gom tất cả các khoản thu nhập hiện tại vào trở thành lương. Nhưng theo đại biểu, điều quan trọng hơn là tâm lý tăng lương dẫn tới tăng chỉ số giá tiêu dùng. “Cứ lương tăng là chỉ số tiêu dùng tăng lên, vậy giải pháp việc này ra sao?” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá, các cơ quan đang ráo riết thực hiện cải cách tổ chức bộ máy nhưng lại nhưng mang tính hình thức nhiều hơn. Việc sắp xếp, tổ chức mới tính đến đưa ra khỏi biên chế những người sắp nghỉ hưu, người đau ốm không có khả năng làm việc. Trong khi đó vị trí, người không thực sự cần thiết, không có năng lực, làm việc không hiệu quả vẫn chưa thể loại bỏ.
Là người từng làm quản lý, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, xây dựng vị trí việc làm thì tổ chức cán bộ là công việc hàng đầu, lý thuyết thì rất hay nhưng làm được rất khó.
Dẫn kinh nghiệm của các doanh nghiệp tư nhân, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết họ có cách làm khác. Khi thực sự có nhu cầu về vị trí việc làm, doanh nghiệp tư nhân sẽ tìm đúng người có thể đảm đương để bổ nhiệm. Khi họ làm thử mà không hiệu quả thì sẽ cho thôi. Vì vậy, cần xem lại cách thức xây dựng vị trí việc làm hiện nay có gây trì trệ và có tạo được sự đổi mới không.