Đề xuất chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi):

Xác lập vai trò Thủ đô trong quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030, để phát triển tổng thể, hữu cơ thành một thể thống nhất các vùng nêu trên cần xác lập vai trò Thủ đô trong quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, liên kết các tỉnh trong vùng…” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất.

Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động của một số chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của các Hội cơ sở của Liên hiệp hội, các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Qua hơn 8 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả trong thực tiễn, tuy vậy cũng đã bộc lộ một số tồn tại và yêu cầu mới trong bối cảnh mới. Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có kế hoạch đánh giá kết quả thi hành Luật và nghiên cứu đề xuất chính sách lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Liên kết vùng không nên chỉ giới hạn trong Vùng Thủ đô

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, dự báo tác động tích cực, tiêu cực của một số chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, liên kết vùng là chính sách có tính đặc thù với Thủ đô Hà Nội
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, liên kết vùng là chính sách có tính đặc thù với Thủ đô Hà Nội

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, đối với phát triển, cải tạo, chỉnh trang đô thị, đây là chính sách có tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành và được quy hoạch cụ thể trong nhiều điều của Luật Thủ đô 2013. Trong nghiên cứu đề xuất lần này, đã thể hiện cụ thể. Điển hình như cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị nội đô lịch sử với 5 chính sách cụ thể. Quản lý, phát triển nhà ở với 3 chính sách cụ thể. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn với phát triển đô thị, thương mại, công nghiệp với 2 chính sách cụ thể. Xây dựng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh với 6 chính sách cụ thể. Bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô với 5 chính sách cụ thể. Tăng thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính với 3 chính sách cụ thể. Bảo vệ môi trường với 4 chính sách cụ thể. Liên kết phát triển Vùng Thủ đô với 5 chính sách cụ thể.

Tuy nhiên, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong đề xuất còn thiếu vắng một số chính sách đặc thù được xác định trong định hướng phát triển Thủ đô. Cụ thể: Phát triển đô thị mới, đô thị vệ tỉnh, đô thị thông minh; Phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô; Quản lý, phân bố dân số. Bên cạnh đó cũng cần xem xét, điều chỉnh một số đề xuất: Chính sách 5 không nên giới hạn nội đô lịch sử. Hà Nội là nội đô lịch sử, trong phát triển ngoài nội đô lịch sử còn nhiều khu vực cần hài hòa giữa phát triển với cải tạo, chỉnh trang, như các khu cảnh quan, thành cổ Sơn Tây, thị trấn sinh thái. Chính sách 7: Phát triển hạ tầng kỹ thuật cần đảm bảo hài hòa trong phát triển đô thị, không nên quá nhấn mạnh vì thương mại công nghiệp. Chính sách 15 đề xuất liên quan đến bảo vệ môi trường, cần đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Chính sách 16 liên kết vùng không nên chỉ giới hạn trong Vùng Thủ đô vì Hà Nội còn được xác định vai trò với Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, liên kết vùng là chính sách có tính đặc thù với Thủ đô Hà Nội. Trong Luật Thủ đô 2013 có đề cập đến trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Điều 23 về chỉ đạo, điều phối cơ chế phối hợp trong Vùng Thủ đô, trong bối cảnh giai đoạn tới rất cần có chính sách đặc thù của Thủ đô không chỉ với Vùng Thủ đô (10 tỉnh, thành) mà còn với vùng đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh) vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (gồm 7 tỉnh, thành phố). Theo chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 để phát triển tổng thể, hữu cơ thành một thể thống nhất các vùng nêu trên cần xác lập vai trò Thủ đô trong quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, liên kết các tỉnh trong vùng và điều phối phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, quản lý phân bổ dân cư, phát triển đô thị bền vững.

Quy hoạch cho không gian ngầm Hà Nội

Đánh giá về phần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, TS Trần Danh Lợi (Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội) đề xuất, đối với không gian ngầm, phải nhanh chóng có quy hoạch cho không gian ngầm Hà Nội để kêu gọi đầu tư cho hệ thống đỗ xe. Trước mắt có thể làm ngay cho nơi đỗ xe tại các sân bay có thể 3 đến 5 tầng ngầm, tránh việc đỗ xe tự phát các khu vực lân cận không gian quy hoạch và phát sinh nhiều tiêu cực xã hội như sân bay Quốc tế Nội Bài, các khu vực ngầm dưới công viên trong vùng nội thành như Công viên Thống Nhất, công viên Hòa Bình…

TS Trần Danh Lợi (Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội) đề xuất, đối với không gian ngầm, phải nhanh chóng có quy hoạch cho không gian ngầm để kêu gọi đầu tư cho hệ thống đỗ xe
TS Trần Danh Lợi (Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội) đề xuất, đối với không gian ngầm, phải nhanh chóng có quy hoạch cho không gian ngầm để kêu gọi đầu tư cho hệ thống đỗ xe

Tại các nhà cao tầng cần có thiết kế không gian ngầm cho các tuyến Metro đi qua nhất là các khu đô thị lớn đây cũng là đầu bài các cơ quan nhà nước giao cho khi thiết kế (giống Singapore...). Ga Hà Nội sớm có quy hoạch không gian ngầm cho các tuyến Metro đi ngầm sao cho không gian ngầm tại đó đảm bảo không gây khó khăn cho nhau khi các tuyến trung chuyển tại đây.

“Bên cạnh đó, hạn chế phương tiện ôtô bằng cách tăng cường vận tải công cộng, khai thác triệt để thời gian khấu hao cho phương tiện vận tải các ôtô phải hoạt động 90-95% thời gian chạy trên đường, thời gian còn lại vào duy tu bảo dưỡng bằng cách thành lập các công ty cho thuê xe ở vùng rộng lớn với nguyên lý trả xe được nhiều nơi có khoảng cách khác nhau, mục tiêu giảm quỹ đất dành cho đỗ ôtô” - TS Trần Danh Lợi nêu quan điểm.

Phát biểu tiếp thu và kết luận tọa đàm, TS Nguyễn Văn Hoạt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trân trọng cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến và khẳng định, tất cả các ý kiến sẽ được đơn vị tiếp thu, tổng hợp và báo cáo TP để Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng với chất lượng cao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần