Xẩm của người trẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người trẻ hát xẩm, sản xuất MV, làm liveshow cho xẩm, đưa xẩm đến trường học... là những chương trình đã và đang được nhóm xẩm Hà Thành thực hiện nhằm đưa xẩm đến với khán giả trẻ.

Trước những diễn biến phức tạp của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo, sự xâm phạm chủ quyền biển đảo, thế hệ hát xẩm kế cận nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nung nấu sáng tạo ra tác phẩm "Tiễu trừ cướp biển", phản ánh vấn đề thời sự của xã hội. Sau hơn 2 tháng chuẩn bị, MV "Tiễu trừ cướp biển" đã chính thức ra mắt do êkíp gần 20 người thực hiện hoàn toàn trên tinh thần thiện nguyện vì xẩm.
 Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (giữa).
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (giữa).
"Tiễu trừ cướp biển" truyền tải thông điệp thể hiện tinh thần yêu nước của Nhân dân, thể hiện quyết tâm đồng sức đồng lòng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đạo diễn âm thanh Phạm Trường Linh - Phó ban Biên tập Nhà xuất bản Âm nhạc nhận xét: "3 giọng hát chính trong MV là nhạc sĩ Quang Long, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và Trần Đình Dũng đã cho tôi đầy bất ngờ. 3 cá tính riêng biệt đảm nhận phần phát xướng vừa rắn rỏi, vừa à ê nhưng cũng như quát mắng... Nghe MV để thấy rằng, xẩm vẫn còn hấp dẫn, hoàn toàn có thể chinh phục được người nghe, nhất là giới trẻ".Nhạc sĩ Quang Long bày tỏ: "Muốn nghệ thuật dân gian đến với khán giả, chúng tôi không thể chọn nguyên si hình mẫu nghệ thuật của hàng trăm năm trước yêu cầu người trẻ tiếp nhận. Tiêu chí của chúng tôi khi thực hiện các dự án về xẩm là phải đến được với người nghe. Chính vì vậy, thay vì phát hành CD, nhóm xẩm Hà Thành đã chọn hình thức MV". Không dễ dãi với sản phẩm của mình, MV được đầu tư kỹ lưỡng về nghệ thuật cũng như kỹ thuật ghi hình chuẩn HD. Bắt đầu từ 14 giờ ngày 25/7, MV "Tiễu trừ cướp biển" chính thức được phát hành trên youtube.

Người ta đã từng thấy chiếu xẩm trải rộng trước cổng chợ Đồng Xuân vào các tối thứ Bảy hàng tuần. Khán giả cũng từng bắt gặp NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan hay hàng loạt các nghệ sĩ nổi tiếng khác đang quản lý nhiều đơn vị nghệ thuật lớn của cả nước nỗ lực "cứu xẩm". Thế rồi, xẩm vào cả event sự kiện hay liveshow tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Mỗi đêm diễn, nghệ thuật hát xẩm luôn luôn đón nhận được sự nhiệt tình của đông đảo người nghe. Thế nhưng, những người gắn bó với xẩm vẫn buồn tủi cho sự thờ ơ của cơ quan quản lý với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Và nghệ thuật hát xẩm mới chỉ đến được với một bộ phận nhỏ công chúng ở những nơi nghệ sĩ trải chiếu ngồi hát.

Sau khi nghệ nhân Hà Thị Cầu ra đi, thế hệ kế cận bà vẫn nung nấu các hoạt động giữ xẩm. Góp mặt trong nhóm xẩm Hà Thành là hàng chục gương mặt đến từ nhiều nghề, nhưng chọn xẩm là cái nghiệp. Với sự năng động của tuổi trẻ, ngoài việc ra mắt MV, nghệ thuật xẩm được lên kế hoạch cho nhiều dự án mới như xây dựng một liveshow cho xẩm vào tháng 10/2014, đưa xẩm tới các trường tiểu học Hà Nội, dàn dựng một số tiết mục tuyên truyền văn hóa giao thông... 

GS Hoàng Chương cho rằng: "Hát xẩm cần sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm như vậy của những người trẻ, để loại hình nghệ thuật truyền thống này có thể sống dài lâu trong lòng công chúng".