Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tuần qua, trên sông Cửa Đại, mặn đã xâm nhập sâu hơn so với tuần trước đó và sâu hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Độ mặn 4‰ xâm nhập đến xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, cách cửa sông 41km (cùng kỳ năm ngoái độ mặn là 2‰). Trong hai ngày 15 và 16/2 tại trạm này độ mặn đã lên 5,2‰ (cùng kỳ năm ngoái là 3,1‰).
Trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ xâm nhập đến xã Mỹ Thành (huyện Châu Thành) và xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 51km. Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 4‰ xâm nhập đến xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, cách cửa sông 49km…
Theo dự báo, trong những ngày tới, thời tiết không mưa, gió Đông hoạt động phổ biến, mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn so với cùng kỳ năm ngoái, cấp độ rủi ro thiên tai do XNM là cấp 2.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, mùa hạn mặn năm 2021-2022 sẽ không thua kém mùa hạn mặn 2019-2020. Do vậy, tỉnh đã chủ động trong các phương án phòng, chống, đặc biệt là cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, cung cấp nước cho sản xuất, kinh doanh.
Ông Trần Ngọc Tam đề nghị chính quyền các cấp, các ngành quản lý, vận hành các công trình thật linh hoạt, canh xả nước đúng thời điểm để giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời lấy nước ngọt vào phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình vận hành phải đảm bảo được sự thống nhất của chính quyền cơ sở, nắm rõ ý kiến của người dân để vận hành sát với tình hình thực tế.
Tại Trà Vinh, hạn mặn đã tác động đến lúa. Mặc dù độ mặn dưới kênh là 0,6-0,8‰, nhưng trên ruộng do nắng nóng cùng gió chướng mạnh nên độ mặn lên 2-4‰, một số ruộng lúa đã có hiện tượng cháy lá. Theo người dân, nếu tình hình kéo dài mà không có giải pháp thì vụ lúa này sẽ “khóc ròng” vì càng nắng và gió thì nước càng bốc hơi nhanh, độ mặn trên ruộng và trong đất càng tăng thêm.
Tại Hậu Giang, từ đầu tháng 2 đến nay, nước mặn từ biển Tây bắt đầu xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Huyện Long Mỹ là địa phương có nồng độ mặn cao nhất, tại một số điểm chính, độ mặn đạt cao nhất dao động từ 2,5-6‰, trong đó độ mặn xuất hiện cao tập trung như ở xã Lương Nghĩa, cống Hóc Pó, kênh Mười Thước và bến phà Ngan Dừa (xã Lương Tâm)…
Để bảo vệ vụ lúa Đông Xuân và những vườn cây ăn trái, rau màu, thủy sản… không bị ảnh hưởng do mặn, những ngày qua, nông dân tại những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của XNM đã và đang chủ động thực hiện nhiều công việc ứng phó.
Trước đó, ngành nông nghiệp đã đưa ra khung lịch thời vụ xuống giống lúa Đông Xuân 2021-2022 sớm cho những vùng bị ảnh hưởng XNM, nhờ vậy mà hiện nay tuy độ mặn tại một số vùng đang ở mức khá cao nhưng hầu hết các trà lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn chín nên không cần nước, do vậy sẽ không bị ảnh hưởng do mặn.
Ông Lê Hồng Việt - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Long Mỹ cho hay, nhận định XNM sẽ đến sớm hơn cùng kỳ nên ngay từ đầu mùa khô, ngoài 3 hệ thống đo mặn tự động được đặt trên địa bàn huyện thì hàng ngày, đơn vị đều phân công cán bộ đi kiểm tra nồng độ mặn để kịp thời phát hiện và thông báo cho người dân biết. Mặt khác, từ việc kiểm tra, theo dõi đường đi của nước mặn sẽ kết hợp với việc vận hành đóng các cống và đắp đập thời vụ ngăn mặn hợp lý.
Theo ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, từ đầu tháng 2 đến nay, mực nước trên địa bàn tỉnh tuy ở thời kỳ triều kém nhưng độ mặn luôn có chiều hướng tăng cao và vẫn chưa dừng lại. Sở NN&PTNT đề nghị các đơn vị và địa phương trong tỉnh cần thường xuyên theo dõi diễn biến mặn, đồng thời có kế hoạch đóng cống, đắp đập thời vụ kịp thời để hạn chế ảnh hưởng do mặn gây ra…
Tại Tiền Giang, hôm 7/2 tỉnh này đã tổ chức khởi công đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành, công trình sẽ hoàn thành vào ngày 25/2 phục vụ công tác ngăn mặn, trữ ngọt.
Trước đó, trong mùa khô năm 2020 và năm 2021, Tiền Giang cũng triển khai đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Công trình đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống hạn, mặn, góp phần bảo vệ nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An...
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, xu thế mực nước đầu nguồn ĐBSCL sẽ giảm trong thời gian tới. Các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện, tại thủy điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ 23/1 đến nay trên dưới 700m3/s, tương đương với 1 tổ máy phát điện.
Hiện các hồ chứa thượng nguồn sông Mekong thuộc Trung Quốc còn dung tích khoảng 75%, tương đương với tổng dung tích 18,9 tỷ m3. Thời gian tới các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế, do đó dòng chảy còn giảm nhanh là nguyên nhân có thể làm mặn xâm nhập sâu trong mùa kiệt 2021-2022.
Dự báo diễn biến mặn mùa khô 2021-2022 có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-10km. Mặn xâm nhập sâu nhất trong tháng 3, mặn 1g/l sâu nhất trên sông Tiền 53-55km, sông Hàm Luông 70-75km, các cửa sông khác 60-62km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu 100-110km…
Tiềm năng nguồn nước tự nhiên về đồng bằng mùa kiệt 2021-2022 xem như ở những năm kiệt nước. Tuy nhiên, nguồn nước phụ thuộc vào việc vận hành của các đập thủy điện thượng nguồn. XNM có thể diễn biến bất thường, nguy hiểm ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện.
Để góp phần giảm thiểu các thiệt hại do hạn mặn gây ra, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành về lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, nhất là vùng cách biển đến 35-45km, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân xong phải chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc chờ mưa diện rộng mới xuống giống vụ Hè Thu.
Phối hợp với các đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, cập nhật lịch vận hành, tranh thủ lấy ngọt (khi độ mặn ngoài sông cho phép) để tích trữ nước ao, ruộng, mương liếp… Đặc biệt, khi tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng…) cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn trước khi tưới...