Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xâm nhập mặn ở Sóc Trăng diễn biến phức tạp

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, tình hình hạn mặn ở Sóc Trăng diễn biến khá phức tạp khi nồng độ mặn theo sông Hậu xâm nhập sâu khoảng 50 km vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đe dọa tình hình sản xuất ở một số địa phương.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 9-20/2, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Độ mặn đo được lớn nhất tại các điểm ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 từ 0,3-7,2‰. Ngay từ những ngày đầu tháng 2/2024, nồng độ mặn theo sông Hậu xâm nhập khoảng 50km vào địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Độ mặn đo được lớn nhất tại các điểm ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 từ 0,3-7,2‰. Ảnh Xuân Lương
Độ mặn đo được lớn nhất tại các điểm ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 từ 0,3-7,2‰. Ảnh Xuân Lương

Cụ thể, tại huyện Trần Đề, độ mặn cao nhất là 22,4‰, thị trấn Long Phú (huyện Long Phú) là 18,4‰ và thị trấn Đại Ngãi (huyện Long Phú) là 7,7‰. Tình trạng này đã đe dọa đến hoạt động sản xuất của một số địa phương.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc hai bên đường 934B nối TP Sóc Trăng đi Trần Đề, dấu hiệu hạn mặn thấy rất rõ ở những cánh đồng khô khốc, nhiều kênh mương cạn kiệt nước. Bên cạnh đó cũng có nhiều cánh đồng lúa mới xuống giống được khoảng hơn 15 ngày nhưng đã có dấu hiệu bị chết vì thiếu nước hoặc nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Nhiều nông dân lo lắng trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Ảnh Xuân Lương
Nhiều nông dân lo lắng trước tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Ảnh Xuân Lương

Ông Cao Văn Tha (nông dân xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề) cho biết: “Tôi làm 16 công ruộng lúa vụ Đông Xuân muộn. Lúa sạ được khoảng 15 ngày, nhìn vẫn xanh tươi nhưng có một số bị vàng lá, có một số bị chết nên tôi đang nhổ những chỗ lúa dày để dặm vào những chỗ lúa bị chết. Vẫn biết vụ này làm là khó khăn vì hạn mặn, nhiễm phèn nhưng thấy nhiều người làm mình cũng làm theo, may thì có lúa, xui thì chịu thôi”.

Anh Thạch Rum Ma Dung (xã Tài Văn, huyện Trần Đề) chia sẻ: “Khoảng 10 ngày nay nước kênh cạn kiệt gây khó khăn cho bà con trồng rẫy như chúng tôi. Hôm nay chúng tôi tranh thủ ra ngoài kênh, đặt máy bơm nước để bơm nước từ kênh lớn lên kênh nhỏ dùng tưới hành, ớt nhưng nước cũng không nhiều”.

Ông Trịnh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không xuống giống vụ Đông Xuân muộn vì rủi ro rất lớn nhưng bà con vẫn xuống giống. Có thể do vụ vừa qua, lúa lên giá nên bà con làm tiếp vụ này với hi vọng sẽ thành công nhưng với tình hình như thế này, chắc chắn những người làm lúa vụ Đông Xuân muộn này sẽ lỗ nặng.

 

Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 31.000ha sản xuất lúa đông xuân. Để bảo vệ an toàn cho phần diện tích này, trước đó ngành nông nghiệp các địa phương đã vận động bà con nông dân tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất trong những ngày tới.

Ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường thông tin về xâm nhập mặn, nguồn nước để người dân nắm, kịp thời ứng phó. Đồng thời sử dụng nước tiết kiệm, có chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất.