Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân, xử lý thế nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện mạng xã hội ngày càng phát triển khiến cho khoảng cách giữa các cá nhân gần nhau hơn. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi khi có các cá nhân sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được phép để đưa tin, hay thậm chí để bôi nhọ, xúc phạm họ.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, các cá nhân sử dụng hình ảnh của người khác mà không được phép để đưa tin, để quảng cáo hay thậm chí để bôi nhọ, xúc phạm danh dự của người khác đang diễn ra hết sức phổ biến và liên tục, xâm phạm đến các quyền của cá nhân, tổ chức trong đó có quyền đối với hình ảnh của cá nhân. Đây là một quyền dân sự được pháp luật ghi nhận và bảo vệ tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự; Luật An ninh mạng... Và pháp luật đã có những quy định cụ thể liên quan đến những trường hợp được phép hoặc không được phép sử dụng hình ảnh của cá nhân vì một số mục đích khác nhau.

Thưa luật sư, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân được quy định thế nào?

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Các nhà báo đang tác nghiệp (Ảnh minh họa)
Các nhà báo đang tác nghiệp (Ảnh minh họa)

Như vậy theo quy định này, trường hợp người sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích xấu, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, người vi phạm phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm và phải bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Vậy, đối với các cơ quan báo chí, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân được quy định thế nào, thưa luật sư?

- Đối với các cơ quan báo chí, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân được quy định tại Nghị định 51/2002/NĐ-CP (vẫn đang có hiệu lực).

Theo đó, tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”.

Như vậy trừ các trường hợp quy định tại Điều luật này, các cơ quan báo chí cũng không được sử dụng hình ảnh của cá nhân khi chưa có sự đồng ý của họ.

Theo quy định pháp luật, các trường hợp sử dụng hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử lý thế nào?

- Đối với trường hợp sử dụng hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e, khoản 3, điều 102, mục 4, chương V, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, mức xử phạt sẽ từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi này.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi đó gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị sử dụng hình ảnh, các cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành vi này theo quy định của Bộ luật Hình sự. Điều 155, Bộ luật Hình sự quy định về Tội làm nhục người khác. Đối với tội danh này, khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với hành vi cắt ghép hình ảnh người khác để vu khống họ, pháp luật quy định xử lý thế nào, thưa luật sư?

- Ngoài ra, hành vi cắt ghép hình ảnh người khác cũng có thể thỏa mãn tội danh khác đó là tội vu khống nếu người vi phạm cố tình sử dụng những hình ảnh của người khác để vu khống cho họ làm một hành động nào đó mà không có thật. Trong trường hợp này, nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ để chứng minh thì người cắt ghép, sử dụng hình ảnh đó có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vu khống với mức phạt tiền lên đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc phạt tù đến 7 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

 

Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” trên địa bàn TP Hà Nội được tổ chức nhằm lan tỏa giá trị văn hóa pháp lý trên môi trường mạng, xây dựng thói quen tích cực của người sử dụng trên không gian mạng.

Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi dự kiến tổ chức vào tháng 11/2022.

Hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân trái phép trên mạng xã hội hiện nay với nhiều hình thức đa dạng, chỉ bằng một vài thao tác là có thể sử dụng hình ảnh của người khác một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tất cả mọi người dù là công dân Việt Nam hay không đều có quyền được bảo vệ về hình ảnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, cho dù họ có đang bị khởi tố, điều tra hay trong bất cứ trường hợp nào. Do đó, mọi hành vi dùng hình ảnh chưa được sự đồng ý của người khác để đưa tin, quảng cáo… đều vi phạm pháp luật. Trong trường hợp nếu muốn đưa tin phản ánh, người dân nên trích dẫn từ các nguồn chính thống như là các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí…