Gian nan phục hồi
Là DN cung ứng giống gia cầm lớn tại khu vực phía Bắc, tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP giống gia cầm Tiến Đạt thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Giám đốc Công ty Lê Văn Đào, cho biết hiện nay trung bình mỗi ngày DN cung ứng khoảng 10.000 giống gia cầm cho các trang trại, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn cả nước, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với giai đoạn cực thịnh.
Xăng, dầu tăng giá khiến chi phí vận tải, logistic của các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm cũng tăng cao. Ảnh: Nguyễn Hằng. |
Vừa qua, hay tin giá xăng dầu tăng, ông Đào lại thêm phần lo lắng vì chi phí vận chuyển tăng. “Công ty có 7 xe vận chuyển. Mỗi ngày chúng tôi tiêu thụ hơn 300 lít xăng. Giờ xăng tăng giá khiến chi phí vận chuyển, logistic của DN tăng thêm rất nhiều. Không chỉ xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá điện rồi cả lãi suất ngân hàng… Cái gì cũng tăng, DN đã vất vả càng thêm vất vả” – ông Đào cho hay.
Cùng chung nỗi trăn trở, Giám đốc Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì Nguyễn Thị Mai chia sẻ, giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN, đặc biệt là trong vận tải và logistic. Hiện, DN này phải vận hành liên tục 4 xe vận chuyển sữa và nguyên liệu đầu vào. Việc giá xăng tăng khiến chi phí sản xuất cũng tăng theo.
“Dù không dùng xăng, dầu trong sản xuất sữa, nhưng mỗi ngày chúng tôi di chuyển hơn 300km để vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu. Cùng với xu hướng tăng của giá nguyên liệu đầu vào (đường, bao bì…), việc xăng, dầu tăng giá khiến chi phí sản xuất của công ty tiếp tục gia tăng, trong khi giá bán sản phẩm thì không thể tăng được khiến DN hết sức khó khăn…” – bà Mai thông tin thêm.
Chi phí tăng nhưng khó tăng giá sản phẩm
Thực tế, giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng lớn đến các DN nói chung, chứ không riêng gì các DN sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm.
Ảnh hưởng chủ yếu đến từ tác động đến hệ thống vận tải, logistic. Chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định sau quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, lây lan khiến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ.
Giám đốc Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng cho biết, hiện nay mỗi ngày đơn vị đang cung ứng cho thị trường khoảng 10 tấn thực phẩm, chủ yếu là các loại thịt. Về cơ bản giá xăng tăng khiến chi phí sản xuất của DN tăng. Tuy nhiên theo ông Dũng, điều này còn ảnh hưởng lớn đến người lao động tại các DN nói chung.
“Hiện nay, chúng ta có hàng chục triệu lao động trong các DN. Nếu giá xăng chỉ cần tăng 1.000 – 2.000 đồng/lít thì chi phí đi lại của mỗi lao động hàng tháng cũng sẽ tăng. Xét trên bình diện cả nước, con số chi phí này là không hề nhỏ…” – ông Dũng nhận định.
Dù chi phí sản xuất tăng cao trong bối cảnh giá xăng, dầu đi lên, tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với nhiều DN nói chung, DN sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm nói chung là giá cả hàng hoá không thể tăng thêm. Bất cứ sự tăng giá sản phẩm hàng hoá nào hiện nay cũng có thể khiến DN gặp khó hơn trong tiếp cận và cạnh tranh thị trường tiêu thụ.
Nhiều DN khi được hỏi cũng cho biết, dù giá xăng dầu tăng là theo quy luật chung của giá xăng, dầu thế giới. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ ngành cần sớm nghiên cứu, có giải pháp tiếp theo để hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm nói riêng, nhất là trong giai đoạn các đơn vị đang nỗ lực phục hồi sau ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19.
Từ chiều 26/10, xăng E5 RON92 lên mức 23.110 đồng/lít sau khi tăng 1.427 đồng/lít; xăng RON95-III lên mức 24.338 đồng/lít, sau khi tăng 1.459 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành. Dầu diesel 0.05S cũng tăng 1.171 đồng/lít, lên mức 18.716 đồng/lít; dầu hỏa tăng lên mức 17.637 đồng/lít, sau khi tăng 1.015 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S lên mức 17.210 đồng/kg (tăng 113 đồng/kg so với giá bán hiện hành). Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước tăng là do giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10 tăng khoảng 10,4% với xăng RON92, xăng RON95 tăng hơn 11,2%, các mặt hàng dầu tăng từ 7 - 8%. |