Xăng, dầu liên tục tăng giá: Tài xế taxi ế khách, shipper lo lắng

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như cánh tài xế, xe ôm công nghệ...

Ảnh hưởng trực tiếp 

Kể từ chiều 11/3, xăng, dầu tiếp tục tăng giá bán. Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng lên mức 28.980 đồng/lít; giá xăng RON95-III chạm mức 29.820 đồng/lít; giá dầu diesel đạt mức 25.260 đồng/lít. Điều này đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Việc giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng ô tô, xe máy để mưu sinh như cánh tài xế, xe ôm công nghệ, nhân viên giao hàng...

Chia sẻ với phóng viên, anh Trương Phú Hoàn (53 tuổi, trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) - lái taxi công nghệ hơn 6 năm nay cho biết, giá cước cũng có tăng lên so với đợt trước nhưng vẫn không theo kịp giá xăng. Hơn nữa, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, người dân ngại đi taxi hay xe ôm vì sợ lây nhiễm nên lượng khách giảm đi rất nhiều so với trước Tết.

“Nếu như là trước kia, có những ngày đông khách, đi chuyến xa thì một, hai ngày tôi đã phải đi đổ xăng, những hôm vắng khách thì bốn, năm hôm lại đổ một lần. Còn bây giờ có những ngày ngồi mãi cả buổi chỉ có được một vài chuyến, không bõ công cả ngày ở ngoài đường chờ đợi. Nhiều lúc, tôi tính phải làm thêm một nghề nữa mới đủ tiền nuôi gia đình…” - anh Trương Phú Hoàn than thở.

Công việc của shipper như anh Hùng và nhiều người khác thêm phần khó khăn do giá xăng tăng cao.
Công việc của shipper như anh Hùng và nhiều người khác thêm phần khó khăn do giá xăng tăng cao.

Còn với anh Lê Công Hùng - nhân viên giao hàng (shipper) cho biết, thời điểm hiện tại, chiếc xe của anh (Honda Wave Alpha) đổ đầy bình phải đến hơn 120.000 đồng. Với công việc luôn phải "bám mặt với đường" như anh, xăng là nhiên liệu bắt buộc, không thể tiết kiệm được.

Bên cạnh đó, người dân di chuyển bằng ô tô, xe máy riêng cũng than vãn khi giá xăng tăng cao. Có những người phải đi làm xa nhà hàng chục cây số thì việc giá xăng, dầu tăng thực sự trở thành một nỗi ám ảnh.

Chị Đoàn Thị Huế (40 tuổi, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đang sử dụng xe ô tô Mazda 2 chia sẻ, giá xăng tăng cao khiến những người đi làm xa nhà như chị không khỏi hoang mang.

"Mặc dù loại xe ô tô tôi đang sử dụng thuộc dòng xe tiết kiệm nhiên liệu nhất. Trung bình khi đổ đầy bình chỉ tốn khoảng từ 900 - 1.000.000 đồng, nhưng cũng chính vì thói quen luôn hô “đầy bình” mà hôm nay tôi khá lo lắng khi phải trả tiền xăng lên tới 1,3 triệu đồng" - chị Huế chia sẻ.

Nhiều mặt hàng "ăn theo" giá xăng

Khi giá xăng, dầu ở mức quá cao sẽ kiềm chế tiêu dùng, giảm tăng trưởng kinh tế và dẫn tới lạm phát. Đó là chưa kể, tác động của nó đến an sinh xã hội vào thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, thậm chí nhiều người lợi dụng việc tăng giá để kiếm lời. 

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Nam (trú ở quận Thanh Xuân) cho biết, từ thời điểm giá xăng tăng mạnh, nhiều mặt hàng tiêu dùng thường nhật cũng đã "đội giá" lên ngay từ đầu tuần. "Sáng đầu tuần (14/3), bình thường, tôi ăn bát xôi có giá 20.000 đồng, xin thêm hành giờ đây cũng tính thêm "phụ phí". Tôi hỏi thì chủ quán trả lời do giá xăng tăng nên mọi thứ đắt đỏ theo" - anh Nam chia sẻ.

Chỉ cần một chiếc ghế, chai đựng chất lỏng với biển đề số điện thoại, một điểm bán xăng tự phát đã mọc lên.
Chỉ cần một chiếc ghế, chai đựng chất lỏng với biển đề số điện thoại, một điểm bán xăng tự phát đã mọc lên.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm hiện tại, trên một số tuyến phố như Xã Đàn, Giải Phóng, Nguyễn Xiển... đã xuất hiện nhiều điểm bán xăng tự phát với mức giá có phần "mềm" hơn so với giá xăng trên thị trường.

 

Điều 35 của Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí”: Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng, dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác. Phạt tiền từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.

Những điểm bán xăng này hoạt động bằng cách thức đơn giản. Người bán chỉ đặt một chai đựng chất lỏng trên vỉa hè, trên có ghi số điện thoại để liên hệ. Khách hàng cần gọi điện thoại hỏi giá sẽ có người mang ra.

Những điểm bán xăng tự phát này bán theo hình thức "thỏa thuận miệng", bán theo từng chai. Loại chai nhựa 1,5 lít được bán với giá dao động từ 42 - 44.000 đồng, với chai nhỏ 0,5 lít dao động với giá 15.000 đồng. Với mức giá nêu trên, những người bán xăng tự phát này có thể "đút túi" một khoản tiền.

Khi được hỏi về nguồn gốc xăng tại đây, một người đàn ông cho biết, xăng này được lấy từ các cây xăng, trước thời điểm tăng giá ngày 11/3, với giá bán như này là rất rẻ.

Xăng, dầu là mặt hàng đặc biệt. Việc xăng dầu, gas tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến người trực tiếp sử dụng phương tiện mà còn kéo theo sự tăng giá tương ứng của hầu hết mặt hàng khác.

Do đó, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự điều tiết thông qua sử dụng các công cụ thuế, phí để kìm đà tăng giá xăng, dầu một cách hợp lý trong thời gian tới.