Xăng dầu phi mã, doanh nghiệp sản xuất đau đầu ứng phó

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giá xăng dầu tăng liên tục trong bối cảnh Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống đã khiến đường phục hồi của khối doanh nghiệp ngày càng gập ghềnh, gian nan.  

Trở tay không kịp

Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC (Lô 38I, KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) Nguyễn Minh Châu cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn không ngừng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì giá xăng dầu leo thang là một "cú bồi" khiến họ thêm oằn vai.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC . Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân trong dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC . Ảnh: Khắc Kiên

Về tác động trực tiếp, xăng dầu tăng giá, chi phí nhiên liệu tăng, cước vận chuyển đi lên, các chế phẩm dầu mỡ phục vụ sản xuất điều chỉnh giá chóng mặt... Gián tiếp, chi phí nguyên vật liệu tăng do nhà cung cấp điều chỉnh giá bán, cũng như tâm lý người lao động dao động do chi phí sinh hoạt leo thang.

Tại nhà máy ở Lô A2CN3 cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội Đinh Vũ Minh Việt thông tin, là công ty sản xuất xe đạp nên khi xăng dầu tăng đã ảnh hưởng lớn đến giá nguyên vật liệu đầu vào (thép, nhôm). Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, biên độ lợi nhuận… của doanh nghiệp.

Điều khiển robot vào quá trình sản xuất tại Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Điều khiển robot vào quá trình sản xuất tại Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên

“Trước mắt, công ty chưa có biện pháp cụ thể nào để có thể đối phó với chi phí xăng dầu tăng cao như hiện nay” - vị này nói. Do vậy, Thống Nhất cố gắng tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu tối đa để có thể giảm bớt một phần chi phí. Đồng thời, tận dụng tối đa chi phí vận chuyển hàng hóa đi các đại lý để tiết kiệm chi phí xăng dầu. Bên cạnh đó, Công ty cũng phải tìm mọi cách để thương lượng với đơn vị vận tải (thuê xe bên ngoài) để không tăng phí vận chuyển đột ngột hoặc không tăng quá nhiều ngay một lúc. Ngoài ra, về lâu dài nếu xăng dầu tăng cao như hiện nay, Công ty cũng phải xem xét để điều chỉnh giá bán các sản phẩm của công ty.

Đồng quan điểm với các doanh nghiệp, ông Đinh Vũ Minh Việt kiến nghị các cấp chính quyền xem xét bình ổn giá xăng dầu để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Thống Nhất nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nói chung.

Doanh nghiệp đau đầu ứng phó

Để đối phó với việc xăng tăng giá ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, theo Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC Nguyễn Minh Châu doanh nghiệp đã triển khai một số giải pháp như: Kết hợp, ghép xe để giảm tối đa chi phí vận chuyển sản phẩm; Thúc đẩy các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cố gắng không tăng giá bán sản phẩm (nếu phải tăng chủ trương cũng cố gắng chia sẻ tối đa với khách hàng để lượng điều chỉnh là thấp nhất).

Đặc biệt, động viên người lao động ổn định tâm lý thông qua việc đảm bảo công việc hàng ngày, không cắt giảm nhân sự, cam kết duy trì phụ cấp giao thông đang áp dụng hỗ trợ 500.000 đồng/lao động/tháng.

Trước những khó khăn đang phải đối diện, doanh nhân này mong muốn Chính phủ có phương án trợ giá xăng, dầu cũng như thời điểm điều chỉnh giá phù hợp. Bởi doanh nghiệp sản xuất muốn điều chỉnh giá bán sản phẩm phải tổng hợp, đề xuất tới khách hàng các nguyên nhân tăng giá, có trường hợp vừa được khách hàng phê duyệt thay đổi đã thành lỗi thời vì những yếu tố đầu vào thay đổi quá nhanh như giá nguyên vật liệu hay tiêu biểu là giá xăng dầu…

Việc xăng dầu tăng giá đang làm đội chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Việc xăng dầu tăng giá đang làm đội chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), Viện trưởng Viện kinh tế và Phát triển doanh nghiệp Mạc Quốc Anh cho biết, hiện nay, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Nếu giảm 2.000 đồng/lít xăng nhưng vào một thời điểm vẫn gia tăng, giá cả vẫn leo thang thì nên cắt giảm tiếp để cân bằng nền kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo nguồn cung được coi là yếu tố then chốt để giữ ổn định thị trường xăng dầu. Do những khó khăn về tài chính nên nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - nơi cung ứng khoảng 30 - 35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam buộc phải cắt giảm công suất.

Phía Bộ Công Thương cho biết, cơ bản đáp ứng cung xăng dầu trong tháng 3 và tháng 4/2022. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, với những giải pháp quyết liệt và thực tế, thị trường xăng dầu sẽ được kiểm soát ổn định, tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần