Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng, dầu tăng giá: Doanh nghiệp vật liệu xây dựng tìm cách bù đắp chi phí

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa khởi sắc được bao lâu, nhiều DN, đại lý cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) phải đối mặt với tình trạng xăng, dầu tăng giá vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, khiến chi phí vận chuyển thành gánh nặng.

Nhiều sản phẩm thiết bị vệ sinh đã tăng giá do xăng, dầu vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Ảnh: Thành Luân  
Nhiều sản phẩm thiết bị vệ sinh đã tăng giá do xăng, dầu vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Ảnh: Thành Luân  

Chi phí liên tục tăng

Bà Lý Thục Anh - Chủ showroom về thiết bị vệ sinh tại đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) cho biết, so với cùng thời điểm trầm lắng của năm 2021, hiện tại tình hình kinh doanh của cửa hàng đã có phần nào ổn định. Các công trình vào thời điểm này bước vào giai đoạn hoàn thiện nên lượng khách hàng có nhu cầu mua tăng cao. Tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng liên tiếp, hiện vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít và được dự báo có thể tăng thêm nữa khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ kho đến các công trình bị phụ trội gấp 2 - 3 lần.

"Bên cạnh đó, hàng loạt sản phẩm thiết bị vệ sinh của các hãng như INAX, ToTo... ngay từ đầu tháng 4 đã tăng giá, rơi vào khoảng từ 20 - 30% với lý do việc nhập nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn, thời gian dài cho dịch bệnh Covid-19 tại nhiều quốc gia. Để bù đắp chi phí, cửa hàng của tôi cũng đã buộc phải tăng giá bán" - bà Thục Anh chia sẻ.

Cũng như tình trạng thiết bị vệ sinh, xăng, dầu tăng giá cũng khiến giá cát bắt đầu "rục rịch" tăng giá. Theo ông Nguyễn Toàn, cát đá và hàng loạt vật liệu xây dựng khác đang "ăn theo" xăng, dầu tăng giá mạnh.

"Do phải vận chuyển từ mỏ ở địa phương khác, nên giá thành vận chuyển đã tăng lên rất nhiều, đá xây dựng trên thị trường chưa tính phí vận chuyển dao động từ khoảng 240.000 - 400.000 đồng/m3 tùy vào từng loại và tùy vào số lượng khách hàng mua. Còn với phí vận chuyển sẽ thêm tùy vào quãng đường di chuyển, nhưng sẽ tăng thêm 8 - 10% trên tổng đơn hàng" - ông Toàn cho biết.

Cần tránh "cú sốc" tăng giá

Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực tài chính nêu quan điểm, việc giảm giá xăng, dầu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Như góp phần giảm chi phí của DN, giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy cạnh tranh và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

"Khi tích lũy nền kinh tế tăng lên, chúng ta có thể thu được thuế thông qua việc tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc giảm thuế để giảm giá xăng, dầu là một giải pháp, còn việc giảm mức nào, cần tính toán kỹ lưỡng" - Bộ trưởng cho hay. Nhiều chuyên gia về kinh tế nhận định, thị trường xăng, dầu thế giới vẫn còn nhiều bất ổn như áp lực lạm phát thế giới, cuộc xung đột Nga - Ukraine có khả năng kéo dài, đi kèm với những biện pháp trừng phạt sẽ khiến giá dầu vẫn có khả năng tăng cao.

Theo ông Đinh Ngọc Tuấn - Công ty TNHH kiểm toán định giá và tư vấn tài chính (Facom), giá xăng, dầu là một vấn đề "thời sự" khi gây ra lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp quyết liệt thì mặt bằng giá cả hàng hóa khác cũng sẽ "ăn theo", gây ra hiệu ứng dây chuyền.

"Việc xăng dầu tăng liên tiếp sẽ ảnh hưởng phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN, tác động tăng giá trong nền kinh tế. Chính phủ cần xem xét, có các giải pháp linh hoạt và kịp thời trong việc điều tiết giá nhằm hỗ trợ đầu vào DN, nhu cầu tiêu dùng người dân trong thời gian này” - ông Đinh Ngọc Tuấn chia sẻ.