Chia sẻ với VnExpress, một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối phía Nam tính toán với diễn biến giá nhiên liệu tiếp tục theo chiều hướng đi lên, mức tăng giá nếu có chỉ dao động trong khoảng 100 - 200 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, nếu nhà điều hành tăng sử dụng Quỹ bình ổn giá thì giá các mặt hàng có thể giữ nguyên giá bán. Với dầu, vị này dự báo sẽ giảm khoảng 200 đồng mỗi lít, kg.
Cơ sở dự báo nêu trên là dù giá bình quân thành phẩm xăng dầu tăng, nhưng bù lại thuế bình quân gia quyền lại có xu hướng giảm 1 - 2% tùy mặt hàng (mức thuế tính bình quân dựa trên lượng hàng nhập về của các doanh nghiệp tại thị trường Hàn Quốc, ASEAN...). "Theo tính toán ban đầu, thuế bình quân gia quyền giảm khoảng 1 - 2% tùy mặt hàng", vị này nói.
Ở kỳ điều hành ngày mai, cơ quan điều hành vẫn tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Nghị định 100 (tính trên mức giá bán ra, gồm tất cả các chi phí của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu... thay vì chỉ tính trên giá nhập khẩu trước đó). Theo tính toán của các chuyên gia, cách tính này sẽ khiến mỗi lít xăng dầu chịu áp lực tăng thêm khoảng 200 đồng tùy loại.
Trước đó, giá xăng đã được điều chỉnh tăng lần thứ 7 liên tiếp kể từ đầu năm vào ngày 20/9, với mức tăng 160 đồng mỗi lít xăng. Mỗi lít xăng RON 92 đang được bán với mức giá 16.230 đồng một lít. Xăng E5 tăng 145 đồng, lên mức 15.980 đồng một lít; trong khi các mặt hàng dầu hỏa, diesel được giảm 99 - 133 đồng một lít so với trước, lần lượt ở mức 10.880 đồng và 12.250 đồng một lít.