Xanh hóa ngành dệt may vạch 3 kịch bản cho xuất khẩu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021 sắp qua đi với nhiều thăng trầm và các cung bậc khác nhau nhưng ngành dệt may vẫn nỗ lực vượt qua khủng hoảng. Bên cạnh sự căng thẳng vì dịch bệnh bủa vây, doanh nghiệp thêm khó khăn vì những biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương khác nhau gây nên đứt gãy nguồn cung, thiếu hụt lao động... Song, sự nỗ lực của các doanh nghiệp nên xuất khẩu của dệt may vẫn cán đích 39 tỷ USD.

Gặp khó, xuất khẩu vẫn tăng 11,2%
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm, cả năm 2021 xuất khẩu dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Đáng chú ý, đến nay nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 4, tháng 5 năm 2022. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý III/2021 nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Xanh hóa ngành dệt may vạch 3 kịch bản cho xuất khẩu - Ảnh 1
Công nhân Công ty CP M2 Việt Nam tại phân xưởng Nhà máy M2F Hải Phòng. Ảnh: Khắc Kiên
Năm 2021 và các năm trước, VITAS đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm… Đồng thời, VITAS tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS Trương Văn Cẩm
“Đây có thể xem là nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại” - ông Trương Văn Cẩm đánh giá. Nhìn lại toàn bộ “bức tranh” xuất khẩu dệt may năm qua, ông Cẩm cho rằng, toàn ngành đã trải qua nhiều cung bậc trạng thái.
Trong quý I/2021 nhiều doanh nghiệp trong ngành đã ký được hợp đồng đến cuối năm, thậm chí hết năm. Tuy nhiên, từ tháng 5/2021, dịch bùng phát ở các tỉnh phía Bắc, điển hình như tại các địa phương có nhiều doanh nghiệp dệt may như Bắc Giang, Bắc Ninh bắt đầu đặt ra nhiều lo lắng cho ngành. Quý III/2021 là thời gian tác động đáng quan ngại nhất tới ngành dệt may khi từ tháng 7/2021, dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và lan rộng ra các tỉnh phía Nam.
Trong tháng 8/2021, xuất khẩu dệt may giảm đến 15,6% so với tháng 7/2021; tiếp đó xuất khẩu trong tháng 9/2021 lại giảm 9,2% so với tháng 8/2021. Đầu tháng 10/2201 vẫn còn khó khăn, nhưng sau đó khi có Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may mới từng bước khả quan hơn.
Về tác động của dịch Covid-19 tới ngành dệt may, đầu năm 2020 chứng kiến thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất dệt khi dịch bùng phát mạnh ở Trung Quốc, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Sau đó, các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc... lại bùng phát dịch bệnh, sụt giảm nhu cầu. Doanh nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được.
Năm 2021 chứng kiến điều ngược lại. Trong khi tại các thị trường như Mỹ, EU... phục hồi, nhu cầu dệt may tăng lên thì tại Việt Nam dịch bệnh lại bùng phát, thiếu nguồn lao động gây nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Như vậy, dịch Covid-19 đã tác động tới ngành dệt may cả từ đầu vào, sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Đặt mục tiêu với 3 kịch bản
Khi các doanh nghiệp được mở cửa hoạt động trở lại, các khách hàng dần quay trở lại. Tình trạng các khách hàng chuyển đơn hàng đi và không quay trở lại tỷ lệ không nhiều. “Dệt may Việt Nam có thế mạnh, nhất là về tay nghề công nhân, ý thức làm việc tốt nhằm đảm bảo đơn hàng. Đây là điều không phải nơi nào cũng đáp ứng được” - ông Cẩm khẳng định.
Để có kết quả đó là sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, trong đó có kinh nghiệm giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp muốn lao động gắn bó phải chăm lo đời sống, đảm bảo việc làm, các chế độ phúc lợi. Trong thời gian chống dịch, buộc phải giãn cách, nhiều doanh nghiệp đã bỏ tiền dự trữ, quỹ phúc lợi hỗ trợ người lao động để bảo đảm thu nhập không thấp hơn mức lương tối thiều. Đơn cử, Viettien có 25.000 – 26.000 lao động đã bỏ ra 600 tỷ đồng, hay May 10 cũng giữ chân người lao động bằng những chính sách chăm lo, đảm bảo mức thu nhập cơ bản... Do đó, hết giãn cách, mở cửa trở lại là người lao động sẵn sàng đi làm, chưng tay cùng với doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2022, VITAS dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ “zero Covid-19” sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.
Từ thực tế, VITAS xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản. Thứ nhất, với kịch bản tích cực nhất tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý 1/2022, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 42,5 - 43,5 tỷ USD. Thứ hai, kịch bản trung bình tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hướng đến là 40 - 41 tỷ USD. Cuối cùng, kịch bản thấp nhất trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng đạt 38 - 39 tỷ USD.
Hướng đến xanh hóa ngành
Trước câu hỏi các hiệp định thương mại tự do (TMTD) có tác động như thế nào đối với ngành dệt may?, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, đây là cú hích lớn cho ngành dệt may và cho nền kinh tế. Nhưng các hiệp định FTA thế hệ mới đã ký với những nước có trình độ phát triển hơn hẳn Việt Nam, thường đưa ra những yêu cầu rất cao, rất khắt khe về quy tắc xuất xứ, về môi trường…
Công nhân Tổng Công ty May10 nỗ lực làm việc thực hiện các đơn hàng.
Cái khó của ngành dệt may là nguyên phụ liệu đầu vào. Tại một số địa phương vẫn cảm thấy ngành dệt nhuộm gây ô nhiễm nên không mặn mà với các đự án phát triển lĩnh vực này. Song hiện nay dệt nhuộm đã có công nghệ mới. Hơn nữa còn do khâu giám sát và xử lý, công nghệ mới dùng ít nước và nước thải được xử lý, ít gây ô nhiễm môi trường... nên cũng cần thay đổi cách nhìn nhận.
Ngành đẹt mau đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... để phát triển lĩnh vực này và có thể đáp ững phần nào về nguồn nguyên liệu cho ngành. Bên cạnh đó, chương trình xanh hóa dệt may được ngành nhìn nhận vấn đề xanh hóa từ rất sớm. Liên Hợp quốc đưa ra 17 mục tiêu, từ 2017 VITAS đã thành lập ủy ban phát triển bền vững và hoạt động rất tích cực.
3 năm qua ngành dệt may đã nỗ lực xanh hóa và tranh thủ sự từ nhiều tổ chức quốc tế đã và đang hỗ trợ ngành triển khai chiến lược này với các hoạt động và hỗ trợ cụ thể như tập huấn, đào tạo, hỗ trợ các giải  pháp xử lý môi trường… Nhìn lại 3 năm đã đạt được nhiều kết quả và nâng cao ý thức của doanh nghiệp. Nếu không xanh hóa sẽ không đi vào được các thị trường lớn mà Việt Nam đã ký hiệp định FTA, nhất là COP26 Việt Nam đã cam kết phát thải ròng về 0.