Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xanh và bền vững đòi hỏi doanh nghiệp đáp ứng từ khâu đầu đến cuối

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu. Trong đó, quản lý chuỗi cung ứng xanh từ sản xuất, vận hành đến thu mua xanh, quản lý chất thải… sẽ giúp doanh nghiệp tăng cạnh tranh, thích ứng và chống chịu với thị trường.

Đây là nội dung chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố Fiata World Congress 2025” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức chiều 9/7.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh. Ảnh: Hoàng Anh
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh. Ảnh: Hoàng Anh

Phát triển bền vững- xu thế doanh nghiệp quan tâm

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết, theo khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên.

Tuy nhiên, quản lý chuỗi cung ứng xanh cần gắn liền với quản trị các mắt xích, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải… khi các mắt xích đó đều “xanh” doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.

Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, các doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng này. Các doanh nghiệp cũng cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải…

Ký kết phát triển ngành logistics. Ảnh: Khắc Kiên
Ký kết phát triển ngành logistics. Ảnh: Khắc Kiên

Lộ trình nào cho chuyển đổi bền vững?

Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 2 về nhóm sản phẩm về gỗ có gia trị gia tăng cao, xuất khẩu gỗ đã vươn đến 170 thị trường trên thế giới, trong đó 5 thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, sản phẩm gỗ khá đặc thù và có đặc điểm cồng kềnh hơn so với các sản phẩm khác, chi phí vận tải biển là rất cao. Bên cạnh đó, gỗ cũng là sản phẩm rất “nhạy cảm” với môi trường, do đó, thiết lập chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh cũng trở nên rất cấp thiết. Phó Chủ tịch VIFOREST nhấn mạnh, chuyển đổi xanh của công nghiệp logistics là một trong những quyết định thành bại của nghề gỗ.

Về phía ngành logistics, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp cho hay, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.

Hiện ngành vận tải nói chung đóng góp 24% lượng khí thải toàn cầu. Hành trình tiến tới logistics xanh và thích ứng nhanh sẽ đóng góp vào quá trình giảm thải cacbon của ngành logistics Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung; qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn cam kết của Chính phủ Việt Nam về hành trình tiến tới Net Zero được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP26.

Đưa ra quan điểm của mình, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Samsung SDS (đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam - KoCham) Dong Kyun Kim nhìn nhận, qua khảo sát chỉ có khoảng 6% khách hàng hiểu về chuỗi cung ứng, 15% hiểu một phần, còn lại 79% không nắm được chuỗi cung ứng được hình thành cụ thể như thế nào. Điều này có thể dẫn đến một số rủi ro nên cần phải ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số. Ngoài ra, khi hệ thống được tự động hoá, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thì sẽ giảm nhiều công sức lao động, giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hiệu quả hơn.

Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện hướng tới Đại hội Thế giới Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế - Fiata World Congress (FWC) 2025. Đây là một sự kiện quan trọng và lớn nhất của ngành logistics toàn cầu.

FWC 2025 sẽ tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10/2025. Dự kiến FWC 2025 sẽ thu hút hơn 1.000 - 1.500 khách quốc tế đến từ các tổ chức quốc tế các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới, các chuyên gia đầu ngành cũng như các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.

Đặc biệt, Triển lãm tại FWC 2025 sẽ có 126 gian hàng cho các doanh nghiệp giới thiệu dịch vụ, quảng bá sản phẩm trong lĩnh vực logistics với bạn bè quốc tế. Đồng thời tiếp cận các cơ hội hợp tác đầu tư để phát triển mạng lưới kinh doanh mới tại Việt Nam. FWC 2025 được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng thu hút dòng đầu tư vào lĩnh vực logistics; qua đó thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và trên thế giới trong tương lai.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có buổi tiếp Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) Turgut Erkeskin và đại diện các hiệp hội ngành vận tải. Ảnh: Hoàng Anh
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có buổi tiếp Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) Turgut Erkeskin và đại diện các hiệp hội ngành vận tải. Ảnh: Hoàng Anh

Trước đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có buổi tiếp Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) Turgut Erkeskin và đại diện các hiệp hội ngành vận tải. Chủ tịch FIATA mong muốn tăng cường hợp tác với VCCI để thúc đẩy thương mại quốc tế hơn nữa. Với một mạng lưới toàn cầu các doanh nghiệp logistics và giao nhận, FIATA có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Theo Chủ tịch VCCI, các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, đòi hỏi hệ thống vận tải hiệu quả và hiện đại. Vì thế, hợp tác với FIATA sẽ giúp khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng các công nghệ sáng tạo đóng góp vào logistics xanh...