Xây dựng các dự án hạ tầng tại quận Hoàng Mai: Giảm áp lực của quá trình đô thị hóa

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đang mở rộng khu vực đô thị trung tâm từ các quận nội đô về các quận phía Tây và Nam TP, trong đó có quận Hoàng Mai.

Để trở thành quận nằm trong đô thị trung tâm của TP, nhiều dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông trọng điểm đang được quận Hoàng Mai đẩy mạnh triển khai và hoàn thiện theo quy hoạch.
Dân số đông gây áp lực lên hạ tầng

Nằm ở phía Nam TP Hà Nội, quận Hoàng Mai đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, dân số cơ học tăng nhanh, gây áp lực rất lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. Điển hình là tại địa bàn phường Hoàng Liệt có gần 80 tòa nhà chung cư với khoảng 80.000 dân và hiện là một trong những địa bàn có số dân đông nhất TP Hà Nội. Mật độ nhà chung cư dày đặc, tốc độ gia tăng dân số cơ học lớn đã khiến hạ tầng cơ sở hạ tầng của phường phải chịu áp lực lớn như việc thiếu trường học và bãi đỗ xe, giao thông luôn ùn tắc, vi phạm trật tự đô thị tràn lan…
 Dự án đường Vành đai 2,5 cũng đang được đẩy mạnh tiến độ. Ảnh: Phạm Hùng
Đơn cử như tuyến đường Lĩnh Nam, là đường dẫn cho các phương tiện, trong đó có nhiều ô tô tải lớn đi đường Vành đai 3 lên cầu Thanh Trì nhưng lòng đường hẹp, hai bên là các khu chợ dân sinh, nhà cao tầng nên tuyến đường dài gần 4 km luôn trong tình trạng quá tải. Giáp với Lĩnh Nam, đường Tam Trinh cũng trong tình trạng tương tự. Là tuyến đường cửa ngõ, lượng phương tiện nhiều nhưng lòng đường chật hẹp, có những chỗ bề rộng chỉ từ 8 - 10m, vừa đủ hai làn xe, khiến các phương tiện tránh nhau vô cùng chật vật trong khung giờ cao điểm. Hè phố bị các cửa hàng, gara ô tô, xưởng cơ khí và nhà dân lấn chiếm, nhiều đoạn đường dài hàng trăm mét không có lối cho người đi bộ…

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng, số lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến cùng với việc nhiều dự án chung cư đưa vào sử dụng đã khiến các tuyến đường phố chính và một số tuyến đường nội bộ các khu đô thị, khu dân cư thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị. Cùng với đó, thời gian qua mạng lưới giao thông chưa phát triển đồng bộ, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh không đảm bảo đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với áp lực giao thông, dân số tăng nhanh cũng là gánh nặng cho các cơ sở giáo dục. Mỗi năm số học sinh tại quận Hoàng Mai tăng từ 4.000 – 5.000, gần bằng số học sinh của một trường trên địa bàn TP nên nhiều trường có sĩ số vượt quy định lên đến 60 học sinh/lớp. Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Mai (phường Tân Mai) Bùi Thị Thu Thanh chia sẻ, áp lực về số lượng học sinh vẫn đang là một gánh nặng cho trường khi sĩ số lớp học đông, phòng học không thể mở rộng do diện tích đất có hạn nên trường vẫn thiếu nhiều phòng học chức năng.

Nhiều dự án được triển khai

Xác định bộ mặt đô thị phải có những chuyển biến mạnh mẽ khi trở thành một trong những quận nằm trong khu đô thị trung tâm, quận Hoàng Mai đã và đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch. Ông Đỗ Thanh Tùng cho biết, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư bằng ngân sách TP và ngân sách quận đang được đẩy nhanh tiến độ. Điển hình, dự án mở rộng đường Tam Trinh nối dài từ cầu Mai Động đến đường Vành đai 3 được thi công mở rộng gấp đôi so với trước đây. Trong đó, đoạn từ ngã tư Minh Khai đến Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở rộng 40m, đoạn cuối giáp với đường Vành đai 3 rộng 55m. Điều này sẽ giúp giảm thiểu áp lực giao thông đáng kể, cho quận Hoàng Mai, vào giờ cao điểm.

Hiện cùng với việc đợi Thanh tra Chính phủ làm rõ các kiến nghị của người dân, quận đang tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB trên toàn tuyến đường này và trình TP điều chỉnh, bổ sung các hạng mục di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Ví như dự án nâng cấp, mở rộng đường Lĩnh Nam theo quy hoạch hiện đang thiết kế thi công và triển khai công tác GPMB và trình UBND TP, Sở Xây dựng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Tiếp đó, dự án đường Vành đai 2,5 cũng đang được đẩy mạnh tiến độ. Đường được thiết kế rộng 40m, lòng đường với 4 làn xe chạy rộng 22m, vỉa hè rộng 7,5m. Dự kiến đoạn xương sống của Vành đai 2,5 là Đầm Hồng - Quốc lộ 1A (Giải Phóng) sẽ hoàn thành GPMB vào cuối năm 2020. Nằm giữa trục đường Vành đai 2 và Vành đai 3, đi qua các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, tuyến Vành đai 2,5 sẽ giúp người dân sống tại quận Hoàng Mai rút ngắn thời gian di chuyển đến trung tâm Thủ đô. Tuyến đường nối từ Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên kết nối đường Minh Khai với Vành đai 2,5 đang được triển khai xây dựng cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo quận Hoàng Mai…

Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng xã hội như trường học, trung tâm thương mại kết hợp bãi đỗ xe cũng được quận ráo riết triển khai GPMB, tiến hành xây dựng trong thời gian tới. Trong 7 tháng năm 2020, quận đã hoàn thành GPMB 2 dự án trường học là trường mầm non Hoàng Liệt và tiểu học Hoàng Liệt, cùng với khánh thành đưa vào sử dụng 2 trường tiểu học xây mới là Đại Kim và Mai Động đã phần nào giảm áp lực trường lớp cho ngành giáo dục quận. Đặc biệt, trên địa bàn quận chuẩn bị triển khai dự án Dự án bãi đỗ xe, Trung tâm thương mại (TTTM) Aeon Mall Hoàng Mai tại phường Đại Kim với tổng giá trị 280 triệu USD. Với việc xây dựng một TTTM lớn tại khu vực đông dân cư nhất quận Hoàng Mai, sẽ giúp người dân sẽ có thêm một địa chỉ vui chơi giải trí và mua sắm mới. TTTM này cũng sẽ làm thay đổi cảnh quan, diện mạo đô thị khu vực quận. Dự kiến, tại đây sẽ có một nhà để xe với 6 tầng nổi, 1 tầng hầm; trên sân thượng và mặt đất vẫn có bãi đỗ xe như các siêu thị Aeon Mall khác. Đặc biệt, đây sẽ là TTTM cao nhất Việt Nam với chiều cao 65m.

"Hiện trên địa bàn quận có 15 dự án xây dựng đường đã có chủ đầu tư, còn lại 4 dự án đang tìm chủ đầu tư. Trong 5 năm tới khi hoàn thành được những dự án hạ tầng này, bộ mặt đô thị Hoàng Mai sẽ thay đổi căn bản.

Để xây dựng, phát triển quận hiện đại, hài hòa, bền vững cả về kinh tế, xã hội môi trường, quận kiến nghị TP chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư các khu đô thị khẩn trương triển khai đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội tại các ô quy hoạch trường học, công cộng, cây xanh… Đồng thời thu hồi các dự án chậm triển khai, giao quận làm chủ đầu tư bằng vốn ngân sách." - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần