Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động đến ngành nông nghiệp nước ta một cách sâu sắc. Để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH có vai trò rất quan trọng.

Nông nghiệp chịu tác động lớn

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất do BĐKH. Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng lên 0,5ºC, mực nước biển dâng khoảng 20cm. Thiên tai, đặc biệt là bão lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH. GS. Nguyễn Viết Tùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp I cho biết, BĐKH đã tác động sâu sắc đến thế giới sinh vật và nông nghiệp của nước ta. Đơn cử như trong vụ Đông Xuân 2010 - 2011 vừa qua, có 42 ngày rét đậm đã khiến cho nhãn nở hoa chậm 33 ngày, bọ xít cũng xuất hiện chậm hơn một tháng, gây ảnh hưởng lớn đến mùa vụ cây trồng. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu BĐKH Việt Nam cho biết, những năm gần đây, BĐKH đã biểu hiện rõ nét ở Việt Nam. Trận lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua đã minh chứng rõ điều đó. Còn tại phía Bắc, theo kịch bản đưa ra, nếu nước biển dâng cao 1m thì có khoảng 10% diện tích đất canh tác của khu vực Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập.

 Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT) Lê Công Thành, cho biết, hiện hệ thống quản lý, chính sách về BĐKH của Việt Nam còn thiếu và dàn trải. “Điều đáng nói là cơ cấu kinh tế - xã hội của nước ta chưa sẵn sàng ứng phó với BĐKH, định hướng phát triển kinh tế vẫn theo hướng sử dụng tài nguyên là chính” - ông Thành lo ngại.

Chủ động thích ứng

Hôm qua, 13/10, Hội nghị Quốc tế Hiệp hội các nhà kinh tế châu Á lần thứ 7 đã khai mạc tại Hà Nội. Với chủ đề “Nền nông nghiệp và kinh tế học nông nghiệp châu Á đối mặt với thách thức vì sự phát triển bền vững trong tương lai”, trong 3 ngày (13 - 15/10), hơn 300 nhà kinh tế nông nghiệp đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng bàn bạc đến vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững ở châu Á…

 

Xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng với tác động của BĐKH có vai trò rất quan trọng. Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu giảm 20% phát thải nhà kính trong vòng 10 năm tới. PGS.TS Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học CN&MT, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với BĐKH của Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ sẽ tập trung ưu tiên đầu tư các vấn đề: Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; giảm khí thải nhà kính tại các vùng trồng lúa chủ lực; phát triển sắn, mía bền vững cung cấp cho sản xuất nhiên liệu sinh học… Giai đoạn tiếp theo, xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững theo hướng tiết kiệm năng lượng, nước, phân bón, giống… Đồng thời áp dụng qui trình sản xuất tăng cường hấp thu các bon trong nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học, để thích ứng tốt với BĐKH, phải quan tâm đến các chương trình an toàn hồ đập, nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi… Bởi mỗi mùa mưa bão, chúng ta có nhiều hồ đập bị vỡ. Mới đây nhất, trong cơn bão số 4, hồ Vưng (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) cũng đã vỡ đập khiến cho hàng nghìn hộ dân phải sơ tán. Ngoài ra, hệ thống đê sông, đê biển dài hơn 8.000km của nước ta cũng đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng nước biển và lũ các sông dâng cao…