Xây dựng cao tốc Bắc – Nam: Chọn bằng được nhà thầu có năng lực

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Ngoài lo lắng về nguồn vốn khá lớn dự kiến đầu tư vào dự án này, các ĐB cũng băn khoăn về năng lực nhà thầu.

Tránh “đầu chuột, đuôi voi”

Theo Tờ trình của Chính phủ, từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng thêm 654km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 118.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và do nhà đầu tư huy động. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ. ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn có hạn nhưng nhu cầu đầu tư lớn, cần xem xét sự cấp thiết của từng đoạn để thiết lập trình tự ưu tiên hợp lý nhất và Bộ GTVT cần khảo sát cụ thể.
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường.
Theo ĐB Nguyễn Anh Trí: “Về tổng mức đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, con số đó không đúng, cần cập nhật, tính đủ và sát nhất để “tránh đầu chuột đuôi voi”. Nhiều dự án lúc đầu đưa ra kinh phí thấp nhưng khi thực hiện lại thiếu kinh phí nên phải… xin thêm”. ĐB cũng nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia, nếu bị đội vốn buộc phải ra Quốc hội để xin điều chỉnh bằng nghị quyết, sẽ rất rườm rà, mất thời gian nên Chính phủ cần có tổng kết việc đầu tư các cao tốc khác để tính toán và có lý giải thuyết phục.

Băn khoăn 8/11 dự án là BOT

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) lưu ý, trong 654 km cao tốc có đến 530 km được đầu tư hình thức BOT (8/11 dự án triển khai bằng hình thức BOT). Thời gian qua, đầu tư BOT là giải pháp mang lại hiệu quả song đã phát sinh nhược điểm khiến một số công trình, dự án gặp phải sự phản đối của người sử dụng. “Hơn nữa, cơ bản các dự án BOT đã triển khai đều được chỉ định đầu tư, không minh bạch và không có tính cạnh tranh. Trong khi công tác thu phí bộc lộ nhiều bất cập”- ĐB nói thêm.

Theo các ĐB, cần phải sàng lọc được các nhà đầu tư yếu, đồng thời tăng cường giám sát công trình, nhất là trong công tác GPMB cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng. Bên cạnh đó cũng cần sớm công khai mức phí để người dân được biết trước.

Trước ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình, vì kinh phí có hạn nên Bộ GTVT đã chọn lựa những đoạn có lưu lượng đi lại cao, đồng thời phân kì đầu tư xác định bề rộng của đường (hiện nay thực hiện đường cao tốc 2 làn xe). Còn 8 dự án BOT, Bộ trưởng cam kết sẽ tổ chức đấu thầu “lần 1 không xong sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đấu thầu lần 2, lần 3 để lựa chọn nhà đầu tư”.

Về thu phí, Bộ GTVT sẽ yêu cầu tổ chức thu phí kín, tức số phương tiện vào, ra bao nhiêu ki lô mét sẽ thu bấy nhiêu để đảm bảo công bằng, đồng thời đưa vào công nghệ thu phí tự động để đảm bảo minh bạch, thuận lợi cho người sử dụng.

“8 dự án BOT tổ chức đấu thầu lần 1 không xong sẽ tiếp tục đấu thầu lần 2, lần 3 cố gắng đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết trước Quốc hội.

Ngày 14/11, thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đa số ĐB đồng tình với việc tạo cơ chế động lực cho TP Hồ Chí Minh phát triển. Bởi nhìn rộng ra đây không chỉ là động lực cho “đầu tàu” mà còn là động lực chung cho cả nước. Dự thảo Nghị quyết đề cập tới hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cơ chế cho phép TP được thí điểm quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý… Thí điểm giao cho HĐND TP Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP theo quy định của Luật Đầu tư công. TP cũng được thực hiện thí điểm đối với Luật Thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu); ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới… (Nguyễn Vũ)
Cắt giảm vốn những dự án chậm triển khai

Với 89,61% số phiếu tán thành, chiều 14/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2018. Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách T.Ư là 753.404 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách T.Ư là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết nêu rõ, phân bổ vốn cho các chương trình, dự án (DA) có hiệu quả; Có kế hoạch cắt giảm vốn đối với DA triển khai chậm; Bổ sung vốn cho DA có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, DA quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Cũng theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ 8 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó nhấn mạnh: Khẩn trương phê duyệt các chương trình mục tiêu để phân bổ, giao vốn kịp thời cho các bộ, ngành, địa phương. Chỉ đạo và hướng dẫn phân bổ vốn đầu tư phát triển, ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách T.Ư; bố trí thu hồi vốn ứng trước nguồn ngân sách T.Ư trong giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa thu hồi; Kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; Tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; Hạn chế tối đa việc điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định. (Thảo Nguyên)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần