Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính:

Xây dựng chính sách cho người lao động thuê và thuê mua nhà ở xã hội

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chúng ta phải có chính sách cho người lao động thuê và thuê mua nhà ở xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ trăn trở này tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023, ngày 14/1.

Thu nhập bình quân của người lao động tăng 1 triệu đồng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ngành LĐTB&XH có đối tượng quản lý nhiều, yêu cầu cao, khả năng đáp ứng có hạn, trong khi thời gian không chờ ai. Cho nên chúng ta phải luôn luôn thích ứng, đổi mới, kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách, vấn đề liên quan thể chế, phối hợp và thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trăn trở về nhà ở xã hội cho người lao động. Ảnh: Tống Giáp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trăn trở về nhà ở xã hội cho người lao động. Ảnh: Tống Giáp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những thành tựu mà ngành LĐTB&XH đã làm được trong năm 2022, đó là hoàn thành 6/6 chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Các chính sách người có công tiếp tục được hoàn thiện và triển khai kịp thời; trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người có công với cách mạng; đẩy mạnh giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công trên tinh thần không bỏ sót đối tượng. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tăng gần 1% so với năm 2021; lao động có việc làm tăng 1,5 triệu người, thu nhập bình quân/người tăng 1 triệu đồng; đưa gần 143.000 người đi làm việc ở nước ngoài…

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế và bất cập mà ngành LĐTB&XH cần khắc phục trong thời gian tới: Tăng năng suất lao động chưa đạt, trong đó có trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH; công tác xây dựng định hướng chiến lược dài hơi thưa thực sự chủ động. Thị trường lao động phát triển chưa đồng đều, bền vững, an toàn; cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Các chính sách xã hội còn thiếu tính liên kết, chưa bao trùm tất cả các đối tượng. Chênh lệch mức sống vùng miền, giữa các nhóm đối tượng còn lớn; mức độ trợ cấp xã hội còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân.

Năm 2023 được xác định là năm hết sức khó khăn, nhiệm vụ của ngành LĐTB&XH ngày càng nhiều lên. Vì thế Thủ tướng yêu cầu ngành LĐTB&XH phải có quyết tâm lớn; trước hết tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc phải có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc nấy.

Người trẻ được thuê mua nhà

Đồng thời Thủ tướng nhấn mạnh 11 nhiệm vụ để ngành LĐTB&XH nghiên cứu, thực hiện. Đó là tiếp tục tục thể chế hóa, cụ thể hóa triển khai đường lối của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chiến lược 10 năm, các chương trình,  kế hoạch hành động của Chính phủ đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay; và chủ động tích cực thực hiện.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với tình hình, đáp ứng được những yêu cầu, bao trùm được các đối tượng, phạm vi hoạt động tốt.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khen thưởng cho các sở LĐTB&XH và đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022, trong đó có Sở LĐTB&XH Hà Nội. Ảnh: Tống Giáp.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khen thưởng cho các sở LĐTB&XH và đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022, trong đó có Sở LĐTB&XH Hà Nội. Ảnh: Tống Giáp.

Ngành LĐTB&XH thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng; huy động mọi nguồn lực để chung tay chăm lo đời sống cho người có công, tăng cường vận động tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ…

Việc phát triển thị trường lao động phải theo đúng nghĩa, đó là cạnh tranh, hiện đại, linh hoạt, bền vững; muốn vậy cần đầu tư nhiều hơn, tạo sự cạnh tranh lớn hơn, đặc biệt là đào tạo nghề, kỹ năng nghề. “Tôi đề nghị Bộ LĐTB&XH, các bộ ngành liên quan và các địa phương tập trung vào lao động. Trọng tâm là các ngành nghề mới nổi liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,  kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao phải có lao động” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc vấn đề phải có lao động tay nghề, lao động tri thức là rất quan trọng. Tận dụng cơ cấu dân số vàng, có giải pháp đột phá nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt đổi mới và nâng cao kỹ năng số cho người lao động; đổi mới, nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong chiến lược đến năm 2030, đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong đào tạo nghề. Đồng thời xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người lao động. Và yêu cầu Bộ LĐTB&XH cùng với Bộ Xây dựng, các bộ liên quan thống kê, định lượng, phân định ra được khu vực nào thì làm như thế nào, ngành dệt may, da giày thì làm ra sao. Vì nhà ở là quan trọng nhất đối với một con người, có an cư mới lạc nghiệp được. Nhà ở là quan trọng nhất và cũng là khó nhất, bây giờ ăn uống và mặc không đến nỗi khó khăn.

Nhà ở cho người lao động là vấn đề Thủ tướng rất trăn trở nên ông cho rằng: Nhà ở thì phải có chính sách. Chúng ta chưa có chính sách thuê và thuê mua nhà, chỉ toàn mua nhà. Cái này rất dở. Đấy chính là cái an sinh xã hội chúng ta làm chưa đúng và chưa trúng.

“Trước mắt, người trẻ không có tiền để mua nhà. Chính sách thuê mua nhà là người ta thuê nhưng 5 – 10 – 20 năm sau trả tiền dần dần và có nhà để ở. Tôi đề nghị Bộ LĐTB&XH và Bộ Xây dựng nghiên cứu tập trung giải quyết vấn đề này.” – Thủ tướng chỉ đạo…

Người đứng đầu Chính phủ đề chỉ đạo thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững. Muốn vậy các đồng chí cố gắng đẩy nhanh các chương trình mục tiêu, nhất là các chương trình mục tiêu giảm nghèo. Và giải quyết vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm như trẻ em, phụ nữ, ma túy,… Cùng với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính là chuyển đổi số; xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh…

 

Năm 2022 ngành LĐTB&XH đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao gồm:  Tỷ lệ thất nghiệp lao động khu vực thành thị là 2,79%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%. Toàn ngành đã đưa gần 143.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt gần 160% kế hoạch; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 38%; tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31,1%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần