Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng chính sách gỡ khó cho xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa nhất là mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc đòi hỏi tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh phối kết hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng các chính sách tháo gỡ khó. Đó là ý kiến của Bộ trường Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn và BCĐ 389 tỉnh Lạng Sơn ngày 23/1/2020 về hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hoá; Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu
Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn cho thấy năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Lạng Sơn giảm so với những năm trước. Cụ thể tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 4,75 tỷ USD, đạt 91% kế hoạch, trong đó XK giảm 14% so với năm 2018.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Phùng Quang Hội cho biết: Liên tục trong 2 năm 2017-2018 hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra sôi động, song sang năm 2019, hoạt động XK bắt đầu có những khó khăn khiến kim ngạch XK giảm sút.  Nguyên nhân là do từ đầu năm 2019 trở lại đây, Trung Quốc đưa ra nhiều tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc. Tới thời điểm hiện tại chỉ có 9 loại hoa quả  Việt Nam gồm: vải, nhãn, thanh long, chôm chôm, mít, soài, dưa hấu, chuối và măng cụt được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. “ Đây là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2019 qua các cửa khẩu của Lạng Sơn đã sụt giảm so với các năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018”, ông Phùng Quang Hội nêu rõ.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khảo sát hoạt động xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế Lạng Sơn ngày 23/1

Nhằm kích thích XK, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường quản lý chất lượng hàng hoá nhập khẩu, siết chặt khâu thực thi các quy định về quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy đóng gói. Cùng đó, thắt chặt hàng XK tiểu ngạch biên giới; quản lý chặt chẽ các mặt hàng chưa có trong danh mục được phép XK vào Trung Quốc…
Xây dựng giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn-Nguyễn Công Trưởng và các sở, ngành đã đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức các đoàn làm việc trao đổi, đàm phán với Trung Quốc bổ sung thêm một số mặt hàng nông sản, thủy sản thế mạnh của Việt Nam nói chung và một số mặt hàng nông sản, hoa quả của tỉnh Lạng Sơn nói riêng được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương khảo sát công tác xuất khẩu hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Lạng Sơn ngày 23/1

“ Thời gian tới Bộ Công Thương và các bộ, ngành Trung ương tổ chức hội đàm, thống nhất với Trung Quốc cho phép XK các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu khác của tỉnh Lạng Sơn như: Chi Ma, Na Hình, Bình Nghi để góp phần tăng khả năng thông quan XK nông sản của cả nước”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn-Nguyễn Công Trưởng kiến nghị.
Trước kiến nghị, đề xuất của tỉnh Lạng Sơn, phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: năm 2020 hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ có những diễn biến khó lường.Chính vì vậy, để đạt được chỉ tiêu tổng kim ngạch XK  cả nước đạt 00 tỷ USD cũng như đạt mục tiêu mà tỉnh Lạng Sơn đề ra, ngay từ bây giờ Lạng Sơn cần đẩy mạnh phối hợp cùng với các bộ, ngành Trung ương nâng cao năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản, hoa quả tươi sang Trung Quốc. Mặt khác, Lạng Sơn phải chú trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ đó phát huy vị lợi thế và tiềm năng kinh tế cửa khẩu; nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khảo sát công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng để có thể ban hành chính sách hợp tác kinh tế quốc tế hợp lý, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Trong đó có Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu cụ thể để tham mưu, báo cáo Chính phủ trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách để thương mại qua biên giới phải thực sự là công cụ phục vụ cho phát triển của địa phương, cũng như quan hệ hợp tác phát triển với nước bạn, đồng thời phục vụ cho bảo vệ an ninh, chủ quyền.
Ngoài ra Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết kịp thời nhu cầu thực tiễn phát triển, tạo thuận lợi, đồng bộ trong chính sách của 2 bên, đảm bảo nâng cao năng lực của lực lượng chức năng tại cửa khẩu, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật phát 2 nước. Trong năm 2020 và những năm tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn để có những phương án cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.