Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 phát biểu tại cuộc họp |
Theo Chương trình hành động, Hà Nội xác định giai đoạn 2021 - 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng 7,5 - 8%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025, dịch vụ chiếm 65 - 65,5%, công nghiệp và xây dựng 22,5 - 23%, nông lâm nghiệp và thuỷ sản 1,4 - 1,6%. Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt từ 8.300 USD đến 8.500 USD.
Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. Các chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh: Xếp hạng chỉ số PCI trong 8 địa phương dẫn đầu cả nước, chỉ số PAPI trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước; Các chỉ tiêu về hội nhập kinh tế quốc tế: Kim ngạch xuất khẩu tăng 8 - 9%, khách du lịch tăng trung bình 15%/năm, đến năm 2025 đón 35 - 39 triệu khách, trong đó 3,2 triệu khách quốc tế.
Phương hướng và mục tiêu của chương trình là: Thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu CM 4.0; Tập trung thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ từng bược hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng; Quyết liệt thực hiện các giải pháp đột phá nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế; Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vụ thế Thủ đô nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững.
Qua theo dõi kết quả thu 2016 - 2020 so sánh giai đoạn 2011 - 2015, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn khẳng định, thu nội địa có xu hướng tăng giảm lệ thuộc thu từ dầu thô. Thu từ xuất nhập khẩu giảm, thu dầu thô chỉ chiếm 1,2% so với 6,6% giai đoạn trước và giảm chỉ còn 0,4% giai đoạn 2021 - 2025… Từ đó cho thấy thước đo về sự phát triển kinh tế Thủ đô để xác định mô hình tăng trưởng kinh tế, yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế, cấu trúc nền kinh tế, các TP kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Đại diện EVN Hà Nội nêu ý kiến, muốn thu hút công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật phải tốt và bất kể DN nào khi vào TP đầu tư, họ đều quan tâm đến độ sẵn sàng cung ứng điện thế nào.
Các ý kiến đề xuất, dự thảo Chương trình cần đề ra các giải pháp tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh khoa học công nghệ trong giai đoạn tới, phát triển kinh tế tư nhân do khu vực này đóng góp hết sức quan trọng cả về lao động và số thuế nộp, và đề nghị TP xem xét có giải pháp ưu tiên phát triển DN ngoài quốc doanh.
Liên quan đến chỉ tiêu về hội nhập, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương đề nghị, cơ quan thường trực đánh giá chỉ tiêu thu hút FDI và thực hiện các giải pháp nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, vì thời gian qua Hà Nội luôn trong top đầu. Thứ hai, chỉ tiêu liên quan đến phát triển DN, Hà Nội đang đóng góp lớn số lượng DN và phát triển kinh tế cho cả nước; rà soát nội dung và phạm vi bao quát hội nhập quốc tế, đối ngoại, hợp tác phát triển…. Tăng cường xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm, xúc tiến đầu tư tại chỗ nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ghi nhận các ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 nêu rõ, xuất phát từ thực tiễn và kết quả đạt được trong Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, văn kiện đại hội đảng để xây dựng mục tiêu chương trình hành động.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu, bổ sung đánh giá bối cảnh trong nước và thế giới, khu vực… liên quan đến thiên tai, dịch bệnh và xu hướng thương mại, đầu tư, những tồn tại vướng mắc để xây dựng lên kịch bản chi tiết hành động, cụ thể hoá bằng các biện pháp… Phân tích tình hình thực trạng hiện nay của TP, kế hoạch tài chính 5 năm, các chủ trương, chính sách, chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra và bám sát vào các Nghị quyết của trung ương và Thành uỷ, rà soát nguồn lực… Nâng cao hiệu quả đầu tư , cả đầu tư công và đầu tư của các thành phần kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND TP, dự thảo Chương trình cần tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành để hoàn thiện trước khi trình Ban Thường vụ Thành uỷ. Thống nhất từ phương châm đến hành động, phát huy thế mạnh của Thủ đô tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.