Báo cáo của Ban quản lý đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm cho thấy, hiện Cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm đã thu hút 86 dự án sản xuất thuộc các ngành nghề cơ khí, nhựa, in ấn bao bì, sản xuất đồ gia dụng, dệt may, thực phẩm, thương mại... đạt tỷ lệ lấp đầy là 100%. Phó giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Minh An cho hay, năm 2021 được đánh giá là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp cũng đã năng động, đổi mới thích ứng với điều kiện mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi sản phẩm dịch vụ chủ lực, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng… Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã duy trì tương đối ổn định, không có tình trạng người lao động bị cắt giảm lương, nghỉ không hưởng lương…
Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp phản ánh dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, nguồn nguyên liệu, vật tư sản xuất thiếu hụt, nhất là những công ty phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Mặt khác, doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí phát sinh như chi phí logistics tăng cao, thiếu hụt lao động, thị trường tiêu thụ khó khăn…
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn- Hà Nội Lê Viết Quý chia sẻ, dịch Covid-19 khiến sản lượng bia trong 2020 giảm 33% so với kế hoạch và giảm 25% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng, đơn vị chỉ sản xuất được 7,5 - 8 triệu lít bia, trong tháng 2/2021, lượng sản xuất của nhà máy chỉ còn khoảng 1,8 triệu lít, dưới điểm hòa vốn. Do vậy, các doanh nghiệp đề xuất Sở Công Thương phối hợp cùng các Sở, ban ngành kiến nghị lên UBND TP Hà Nội các biện pháp, chính sách hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất sau Covid-19.
Cụ thể, các ngân hàng, tổ chức tín dụng giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay; gia hạn thời gian nộp, miễn giảm một số loại thuế, bảo hiểm xã hội, không tính lãi đối với các khoản thuế và bảo hiểm nộp chậm trong quý I và II/2021. Đồng thời có những quy hoạch mặt bằng sản xuất lâu dài để doanh nghiệp ổn định trong hoạt động kinh doanh.
“Cần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng thông qua việc đơn giản hồ sơ pháp lý vay vốn. Đồng thời cơ quan quản lý nên thông tin chi tiết đến doanh nghiệp về những chính sách hỗ trợ giãn, giảm thuế để doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ và tiếp cận với các khoản hỗ trợ một cách nhanh nhất” - Tổng Giám đốc Công ty Cơ nhiệt Điện lạnh Bách khoa (Polyco) Đinh Văn Thành kiến nghị.
Trước những kiến nghị tháo gỡ khó khăn từ phía doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, qua đó đã nắm bắt và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Để giúp các doanh nghiệp phát triển hậu Covid-19, Sở Công Thương sẽ kiến nghị TP hỗ trợ về tiền thuê mặt bằng sản xuất để doanh nghiệp ổn định đầu tư sản xuất, hỗ trợ về thủ tục hành chính, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, khơi thông hàng hóa và các vấn đề về thông quan, vận chuyển…