Nhiều bất cập
Theo kết quả làm việc của Đoàn giám sát về đất đai đô thị do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quang Hiển làm trường đoàn với Chỉnh phủ, 7 bộ, ngành, 12 địa phương (trong đó có những địa bàn nóng về sử dụng đất đai như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...), các doanh nghiệp bất động sản lớn và khảo sát 40 dự án sử dụng đất tại các đô thị. Kết quả giám sát cho thấy nhiều vi phạm liên quan đến chậm triển khai dự án, tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng đã được phê duyệt diễn biến phức tạp.
Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ, việc xây dựng công trình cao tầng có xu hướng co cụm tập trung vào khu vực trung tâm các đô thị như tại TP Hà Nội, tỷ trọng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lên tới 80%.
Liên quan đến các chủ đầu tư thì xảy ra việc điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mặc dù góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và nhu cầu nhà ở cho người dân song lại dẫn đến gia tăng số căn hộ tại các dự án, gián tiếp làm gia tăng dân số, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội liên quan tại phiên thảo luận về Luật Đất đai, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 cũng chỉ ra, vấn đề vi phạm về sử dụng đất đai xả ra ở hầu hết các địa phương; trong khi đó công tác quản lý nhà nước về vấn đề này còn nhiều bất cập. Từ những bất cập trong quản lý và sử dụng đất đai đã gây ra sự nhiễu loạn về giá đất trên thị trường bất động sản ở nhiều thời điểm trong thời gian gần đây.
Quản lý giá trị trường
Thực tế, trong thời gian gần đây, câu chuyên giá đất tăng “nóng”, cơ quan quản lý khó khăn trong việc nắm bắt giá thị trường, xuất hiện đội ngũ môi giới làm nhiễu loạn thông tin khiến cho tâm lý người dân hoang mang.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, giá đất đai hiện nay có hai loại. Loại giá thứ nhất dành cho những người có trách nhiệm đóng góp tài chính, tức là người dân và doanh nghiệp, thông qua khung giá đất 5 năm điều chỉnh một lần; Thứ hai là giá đất cụ thể theo giá thị trường. “Để giải quyết những bất cập về giá đất đai trên thị trường Bất động sản thì cần tìm cách định ra cơ sở dữ liệu về đất đai, theo dõi toàn bộ các sàn giao dịch, đưa ra các định chế yêu cầu xử lý nếu giá giao dịch không đúng với giá đất thị trường” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo lý giải của Bộ Trưởng Bộ TN&MT, khi có mạng lưới dữ liệu đó, qua 5 năm, 10 năm sẽ hình thành giá trị trung bình của thị trường. Khi đó, Nhà nước sẽ hình thành khung giá đất cũng như giá đất thị trường, định giá đất đai sẽ minh bạch hơn, có cơ sở khoa học hơn, đúng phương pháp luận hơn.
Bộ TN&MT đã nhìn thấy quy hoạch đất đai trong thời gian tới cần tính toán, để đưa quy hoạch này vừa có ý nghĩa, vừa có tầm nhìn chiến lược, phản ánh được trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu trong đó đặc biệt phải giải quyết được bài toán về kinh tế, cân đối hài hoà, hiệu quả về kinh tế - xã hội - môi trường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu môi trường; giải quyết bài toán không gian để phát triển kinh tế xã hội song vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng…
Được biết, đến thời diểm hiện tại Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai do Bộ TN&MT thực hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với một số kết quả như: Hoàn thành Thiết kế hệ thống thông tin đất đai thống nhất từ Trung ương đến địa phương phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ TN&MT, kiến trúc Chính phủ điện tử của các địa phương.