Xây dựng công nghiệp văn hóa cho Hà Nội: Rất cần một chiến lược bài bản

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” được Chính phủ phê duyệt mới đây đã xác định 12 ngành nghề đưa vào CNVH và đặt mục tiêu đạt 3% GDP vào năm 2020.

Theo nhiều chuyên gia, để đạt mục tiêu này, trước tiên phải xây dựng được các trung tâm CNVH - CN sáng tạo, tiến tới xây dựng các TP sáng tạo. Trong đó, để làm được, Hà Nội cần một chiến lược bài bản hơn thì mới mong khai thác được tiềm năng, thế mạnh.

Tiềm năng chưa được khai thác xứng đáng

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa lớn, lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể của nhiều tiểu vùng văn hóa trên cả nước, rất có tiềm năng cho ngành CNVH, nhưng hiện đây vẫn là khái niệm mới mẻ.

Văn Miếu -Quốc Tử Giám là một điểm đến hấp dẫn tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.          Ảnh: Thanh Thảo

Theo UNESCO, CNVH là tập hợp quá trình sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm, dịch vụ mang đặc tính văn hóa tự nhiên và thường được bảo hộ bằng quyền sở hữu trí tuệ. Nói đến CNVH ở Hà Nội, người ta thường nghĩ đến thủ công mỹ nghệ, với những làng gốm Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xã... Chỉ có điều, phương thức phát triển các làng nghề này không hoàn toàn giống định nghĩa của UNESCO.

Khảo sát gần đây của Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo cho thấy, dù một vài DN vẫn có những sáng tạo nhất định, nhưng đáng tiếc, chúng không thuộc về những người làm nghề thủ công mà thuộc về các thương hiệu nước ngoài thuê họ gia công. Điển hình là Công ty Quang Vinh ở Bát Tràng, có nhiều mẫu sáng tạo rất phù hợp cuộc sống hiện đại, được phát triển trên nền tảng truyền thống nghề gốm Bát Tràng, song toàn bộ sáng tạo đó được các hãng nước ngoài như Zara, H&M mua độc quyền bằng cách đặt hàng gia công khối lượng lớn. Người làm gốm không được sở hữu sáng tạo của họ, không thể gia tăng giá trị sản phẩm dựa trên bản quyền sáng tạo đó. Tương tự là ngành thời trang, với khí hậu bốn mùa và thẩm mỹ tinh tế, lẽ ra Hà Nội là mảnh đất màu mỡ cho bất cứ thương hiệu thời trang nào, nhưng ngược lại, dường như các nhà thiết kế từ TP Hồ Chí Minh đang chiếm lĩnh thị trường…

Doanh nghiệp, doanh nhân - “nhân vật chính”

Theo các chuyên gia, Hà Nội không phải không có tố chất của các ngành CNVH - CN sáng tạo, nhưng đang thiếu hẳn một chiến lược thu hút nhân tài sáng tạo và chương trình đầu tư trọng điểm cho các ngành này. “Chúng ta có mọi thứ, nhưng không ngành nào được đầu tư bài bản, có chiều sâu. Muốn thay đổi cục diện đó, TP cần giải quyết 3 vấn đề: Thu hút nguồn lực sáng tạo và kinh doanh sáng tạo, xây dựng hạ tầng sáng tạo, có chính sách thu hút đầu tư vào CN sáng tạo”, Chủ tịch Le Group of Companies - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh nhận định. Đặc biệt, theo ông Vinh, mấu chốt là Hà Nội đang thiếu các doanh nhân muốn dấn thân vào CN sáng tạo. Để giải quyết điều này, phụ thuộc nhiều vào hệ thống thực thi pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả.

Cùng quan điểm đó, PGS.TS Phạm Duy Đức - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nên xác định các DN, doanh nhân sáng tạo chính là “ông chủ”, “nhân vật chính” của CNVH, mới mong tìm ra chính sách để Nhà nước tạo môi trường thuận lợi nhất cho ngành này. Phó Giám đốc Sở Công Thương Đàm Tiến Thắng thì nhấn mạnh: Không thể có thị trường cho ngành nếu không có môi trường, cơ chế cho các nhà sản xuất cạnh tranh bình đẳng với DN nước ngoài. Trước mắt, TP cần đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao năng lực thiết kế cho các DN thủ công mỹ nghệ, đầu tư hạ tầng và phát triển ý tưởng, quảng bá mẫu thiết kế, bảo hộ bản quyền…

Để Hà Nội trở thành TP sáng tạo, trung tâm CNVH - động lực tạo sức bật về kinh tế xã hội, nhiều ý kiến cũng đề xuất, việc TP có thể làm ngay là hình thành, phát triển các không gian sáng tạo. Đó là đầu tư cho hình ảnh và các công trình nghệ thuật, văn hóa ở những không gian công cộng, theo phương thức hợp tác công - tư, nhằm thu hút nhiệt tình sáng tạo của nghệ sĩ, doanh nhân. Các không gian sáng tạo này có thể hiện diện với tư cách một quần thể DN sáng tạo, như Miami Design District (Mỹ), Hanoi Creative City; một khu vực trưng bày sản phẩm sáng tạo kiểu như Dubai Creative Hub hoặc Phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm…

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy, tại TP hiện có hơn 5.900 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 11 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 1.100 di tích quốc gia. Hà Nội cũng có nhiều món ăn hấp dẫn, nhiều tên tuổi nghệ sĩ lớn gắn với những bộ phim, bài hát, dòng tranh…, đã tạo nên những thương hiệu mang đậm dấu ấn Hà Nội. Không những thế, còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, chiếm 58,8% tổng số làng toàn TP, trong đó 292 làng nghề được công nhận “làng nghề truyền thống Hà Nội”, với những nghệ nhân làm chủ được công nghệ sản xuất tinh xảo, tạo ra các sản phẩm độc đáo, mang đậm giá trị truyền thống Hà Nội.


Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Chí Mỳ:

Quan tâm đến các sản phẩm từ văn hóa phi vật thể

Cùng với tiềm năng về di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực…, Hà Nội có nhiều giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đó là âm nhạc cổ truyền, lễ hội, rối nước, ca trù, chèo, hầu đồng, truyện cổ tích, truyện cười, sáng tác thơ văn nổi tiếng… Những giá trị văn hóa này có sức hấp dẫn lớn với cả nước và bạn bè quốc tế. Vì vậy, Thủ đô rất cần có nghiên cứu bài bản và kế hoạch khả thi để các loại hình này trở thành sản phẩm của CNVH bằng phim ảnh, video, in ấn xuất bản, nghệ thuật biểu diễn…


Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng:

Tạo thương hiệu cho điểm đến du lịch văn hóa

Nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thương hiệu cho điểm đến du lịch văn hóa, bởi “điểm đến” chính là yếu tố gây ấn tượng nhất để du khách có thiện cảm với Thủ đô. Đặc biệt, tại những điểm đến tiêu biểu như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội…, cần đầu tư hệ thống thuyết minh điện tử tự động bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhất là của các thị trường trọng điểm đến Hà Nội mà đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên thiếu hụt như tiếng Nhật, Hàn, Trung… và các ngôn ngữ phổ thông như tiếng Anh, Pháp, giúp du khách thuận lợi. Mỗi điểm du lịch cũng cần xây dựng những mẫu sản phẩm lưu niệm đặc trưng thể hiện được hồn cốt, độc đáo riêng.


Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn:

Áp dụng mô hình quản lý “cánh tay nối dài”

Theo kinh nghiệm một số nước, mô hình quản lý “cánh tay nối dài” là một giải pháp phù hợp phát triển CN sáng tạo. Theo đó, Nhà nước chỉ đưa ra chính sách hỗ trợ, định hướng, cung cấp nguồn vốn nhất định và giao toàn quyền quyết định tài trợ, phát triển các dự án cụ thể cho các hội đồng chuyên môn.

Cụ thể, Hà Nội nên thành lập một tổ chức hỗ trợ phát triển sáng tạo tên là Creative Hanoi trực thuộc TP, gồm đại diện chính quyền TP và các hiệp hội âm nhạc, điện ảnh, doanh nhân sáng tạo… Chính quyền TP hỗ trợ vốn ban đầu và đặt chỉ tiêu cho tổ chức này tạo ra thị trường, việc làm, thiết lập mạng lưới cho các tổ chức, cá nhân sáng tạo. Từ vốn ban đầu, Creative Hanoi tiến hành cho vay, tư vấn giúp các cá nhân, tổ chức sáng tạo kinh doanh tốt hơn…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần