Suốt gần 2 tháng phải “đắp chiếu” vì giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, một dự án biệt thự và khách sạn nghỉ dưỡng tại đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng hiện vẫn chưa thể xây dựng trở lại. Đại diện chủ đầu tư cho biết, nếu không bị ách tắc do dịch thì đến thời điểm này hạng mục quan trọng phải giải quyết gấp trước mùa mưa bão đến là tầng hầm đã hoàn thành. “Chậm tiến độ là điều chắc chắn nhưng nỗi lo lớn hơn của chúng tôi là miền Trung vào mùa mưa bão, việc thi công những hạng mục ngoài trời, nhất là tầng hầm gặp rất nhiều khó khăn”- đại diện chủ đầu tư dự án chia sẻ.Một dự án căn hộ cao cấp ở phường Bình Thuận, quận Hải Châu, Đà Nẵng cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự. “Nếu không ngừng thi công vì lệnh giãn cách xã hội thì đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn thành đóng nắp tầng hầm, yên tâm triển khai các hạng mục tiếp theo trước mùa mưa đến”- đại diện chủ đầu tư cho hay.Đại diện chủ đầu tư các dự án kể trên trên chia sẻ thêm, hiện ở công trường mỗi dự án có hàng trăm công nhân. Trong suốt gần 2 tháng giãn cách xã hội, DN phải lo nhiều khoản chi phí cho nhân công. Nếu không sớm triển khai xây dựng trở lại thì DN tiếp tục phải gánh chi phí nhân công ngồi không; chi phí để bảo trì vật liệu, bảo dưỡng hạng mục đang dang dở. Đó là chưa kể chi phí các khoản vay ngân hàng. Cứ mỗi ngày trôi qua mà dự án ngừng thi công, DN phải gánh đủ các khoản chi phí đội thêm.Khó trăm bềKhông chỉ chủ đầu tư mà những nhà thầu xây dựng dự án cũng như ngồi trên đống lửa. Đang nhận thi công 3 công trình trên địa bàn Đà Nẵng, Công ty CP Trần Vũ Vicon hiện loay hoay tìm nguồn nhân công để triển khai trở lại. “Chúng tôi đã được cấp giấy phép xây dựng trở lại nhưng vấn đề nan giải hiện nay là nguồn nhân lực. Thợ của công ty chủ yếu ở Quảng Nam, song thời điểm này họ chưa thể trở ra Đà Nẵng nên có giấy phép cũng gặp khó. Hơn nữa, tìm vật liệu xây dựng, nhất là cát sạn thời điểm này càng khó vì chủ yếu nguồn cung từ Quảng Nam”- Giám đốc Công ty CP Trần Vũ Vicon Trần Quốc Tuấn cho biết.Cũng theo ông Tuấn, ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến DN đang phải cầm cự. “Nghề xây dựng ở miền Trung tập trung cật lực vào những tháng đầu năm chứ đến mùa mưa bão xem như "đắp chiếu". Nhưng suốt gần 2 năm qua, Đà Nẵng trải qua nhiều đợt dịch phải giãn cách, hết giãn cách lại đến mưa bão nên các công trình chậm tiến độ, kéo theo đó là đủ thứ khoản chi phí phát sinh, nhất là lãi vay ngân hàng”- ông Tuấn thở dài.Tương tự, Công ty TNHH Tư vấn thiết kế - Xây dựng Arch Green cũng chưa thể triển khai xây dựng trở lại những công trình nhận thầu do khan hiếm nguồn thợ. “Nhân lực của công ty chủ yếu người Quảng Nam, vì giãn cách họ về quê nay mắc kẹt trong đó chưa trở ra nên không có thợ để làm. Mà không làm được thì công trình chậm tiến độ, chủ đầu tư không giải ngân, chúng tôi chưa biết xoay xở thế nào với những khoản tài chính hàng tháng sắp đến”- Giám đốc Công ty Arch Green Lương Xuân Phát cho biết.Hay như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hoàng Bảo Ân, do ảnh hưởng các đợt giãn cách xã hội nên nhiều dự án do DN làm tổng thầu bị chậm tiến độ 2 năm nay. Ông Phạm Xuân Bảo - Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng đầu tư xây dựng của Hoàng Bảo Ân cho hay: “Chúng tôi nhận một số dự án tổng mức khoảng 50 - 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, việc sản xuất, kinh doanh liên tục bị gián đoạn bởi các đợt dịch và chỉ thị của TP. Thi công ách tắc do quản trị nguồn nhân sự gặp khó khăn dẫn đến dự án chậm tiến độ quá nhiều”. Hiện nay, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn cho phép các công trình xây dựng tiếp tục thi công tại những vùng có nguy cơ thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều công nhân, thợ xây chưa đi làm được do còn nhiều vướng mắc về giấy tờ. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP chiều 21/9 vừa qua, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chỉ đạo kiểm tra lại việc cấp giấy đi đường cho công nhân xây dựng. Ông Quảng đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với các UBND quận, huyện tiến hành kiểm tra, phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người lao động, chủ thầu, chủ đầu tư.
Việc cách ly, phong tỏa nên tóm gọn, thu hẹp địa hình, địa giới chứ không lan rộng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh gây ảnh hưởng đi lại, tổ chức sản xuất. Riêng đối với người tổ chức thi công phải bảo đảm được nguyên tắc 5K và quy định giờ giấc nghiêm ngặt. Hiện nay, việc tiếp cận các nguồn vốn gặp khó khăn dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DN. Vì thế, kiến nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách mở nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh.Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng đầu tư xây dựng Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hoàng Bảo Ân Phạm Xuân Bảo |