Đặc biệt, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đảng bộ TP Hà Nội thể hiện quyết tâm chính trị cao trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu đề ra…
Luôn ý thức về trách nhiệm, vai trò của Đảng bộ Thủ đô
Từ thực tiễn truyền thống 93 năm xây dựng, phát triển có thể thấy Đảng bộ TP Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhân dân và luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm, vị trí, vai trò của Đảng bộ Thủ đô. Bởi đây là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 đảng bộ trực thuộc, hơn 47 vạn đảng viên (chiếm gần 9% tổng số đảng viên cả nước). Do đó, Đảng bộ TP Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc, gương mẫu quán triệt, triển khai nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả, đưa Nghị quyết T.Ư 5 khóa X đi vào thực tiễn cuộc sống.
Qua tổng kết, Đảng bộ TP Hà Nội đã khẳng định việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu nổi bật, mang lại hiệu quả to lớn. Từ đó, góp phần quan trọng, có tính quyết định đối với những kết quả, thành tựu phát triển của Thủ đô trong các giai đoạn vừa qua.
Đặc biệt, khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đảng bộ TP Hà Nội luôn thể hiện quyết tâm chính trị cao trong đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Tất cả vì mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư và sớm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Nghị quyết số 15-NQ/TW gồm 4 phần. Về quan điểm, mục tiêu, Bộ Chính trị đã nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn với nhiều điểm mới để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong trung và dài hạn. Nghị quyết cũng đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện và có nhiều điểm mới so với các Nghị quyết về phát triển Thủ đô trước đó.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, đặt câu hỏi “Thủ đô của chúng ta sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới?”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa về vị trí, vai trò của Thủ đô với những tiềm năng không nơi nào có được. Bởi theo Tổng Bí thư đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Hà Nội cũng chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ.
Với việc xác định mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị thể hiện rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của T.Ư, Bộ Chính trị đối với Thủ đô Hà Nội. Đồng thời cũng là lời giải đáp cho câu hỏi và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội.
Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết số 15-NQ/TW đã được cán bộ, Nhân dân Thủ đô, cả nước đón nhận và trở thành động lực phấn đấu của các cấp, các ngành. Nghị quyết số 15-NQ/TW tuy nội dung chỉ về một địa phương là Hà Nội nhưng với tính chất, vị trí, tầm quan trọng của Thủ đô, nên việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết do Thường trực Ban Bí thư tổ chức với sự tham gia của hơn 34.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, một số tỉnh, TP, các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, các tỉnh, TP Hà Nội đều cho rằng, Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội mà còn đối với cả nước. Nhất là các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Do đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW không chỉ là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô mà còn là trách nhiệm của các ban, bộ, ngành T.Ư, các tỉnh, thành, Nhân dân cả nước, thể hiện tình cảm và tinh thần “cả nước vì Hà Nội - Hà Nội vì cả nước”.
Tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá cho Thủ đô
Xác định rõ tầm quan trọng của Nghị quyết số 15-NQ/TW và để Nghị quyết được triển khai thực hiện hiệu quả, ngày 26/8/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW. Chương trình có kết cấu gồm 4 phần kèm theo 4 phụ lục, nội dung bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa bằng trên 130 nhiệm vụ, đề án được xác định cụ thể để ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Theo đó, từng nhiệm vụ được phân công thực hiện gắn với trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và thời hạn hoàn thành. Qua đó nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị, Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống và tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Nhằm đưa Nghị quyết thấm sâu đến từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy từ TP đến cơ sở, hệ thống tuyên giáo Thủ đô đã chủ động, tích cực triển khai việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết. Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TW và triển khai rộng rãi tới cán bộ, đảng viên, Nhân dân theo hình thức thi trắc nghiệm trên nền tảng trực tuyến và cả hình thức sân khấu hóa.
Trước mắt, Hà Nội sẽ cùng với các tỉnh, TP phấn đấu hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước năm 2027 theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua. Tập trung chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch Thủ đô Hà Nội; sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 và tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tiếp tục khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế; tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh…