Xây dựng đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa: Khẩn trương nhưng cần cẩn trọng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo khoa học “Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước” diễn ra mới đây, các nhà nghiên cứu đã khẳng định những đóng góp của Ngô Quyền trong tiến trình lịch sử dân tộc cũng như với lịch sử, văn hóa của vùng đất Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Đồng thời đưa ra cơ sở khoa học để xây dựng công trình tưởng niệm Ngô Quyền tại vùng đất này.

Khu di tích Thành Cổ Loa, huyện Đông Anh. Ảnh: Trọng Đạt
Trăn trở về nơi tưởng niệm vua ở Hà Nội
Ngô Quyền lên ngôi, xưng vương, định đô ở Cổ Loa là một mốc son đáng tự hào, xứng đáng được đời sau ghi nhận, tưởng niệm. Nhân dân tại nhiều nơi trên cả nước đã lập đền thờ Ngô Quyền. Khu vực có nhiều di tích thờ ông, nhất là vùng Hải Phòng, gần chiến trường Bạch Đằng năm xưa. Theo nhà nghiên cứu Đoàn Trường Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, hơn 50 di tích thờ Ngô Quyền ở Hải Phòng có điểm chung là đều quay về hướng Tây - hướng về kinh đô Cổ Loa.

Tuy nhiên, ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) đến nay vẫn chưa có một công trình thờ tự Ngô Quyền. Về điều này, TS Nguyễn Văn Sơn – Hội Sử học Hà Nội chia sẻ: “Hà Nội có 4 nơi thờ Ngô Quyền ở thị xã Sơn Tây (quê hương) và huyện Mỹ Đức (tương truyền nơi ông dừng chân nghỉ ngơi khi hành quân). Tuy nhiên, tại chính mảnh đất Loa thành (Cổ Loa), nơi ông chọn làm kinh đô, xác lập vương quyền độc lập của dân tộc thì hoàn toàn không có một công trình thờ tự nhằm tôn vinh sự nghiệp to lớn của ông. Đây thực sự là một điều thiếu sót”. Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đi nhiều đền thờ Ngô Quyền ở các địa phương thì nơi nào cũng có tư liệu ghi dấu tích hướng về Cổ Loa nhưng rất tiếc ở chính Cổ Loa lại chưa có đền thờ ông. Hơn lúc nào hết, chúng tôi mong muốn TP Hà Nội sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền để tôn vinh công lao của ông”.

Thời điểm thuận lợi để xây dựng

Phương án xây dựng đền Ngô Quyền để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ vị vua có công lao xây dựng quốc gia độc lập đã được TP Hà Nội tính đến nhiều năm qua. Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, từ năm 2002, khi hoàn thành quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa, TP đã xác định xây dựng công trình tôn vinh Ngô Quyền và cố gắng tìm ra những vết tích liên quan đến Ngô Quyền ở Cổ Loa làm căn cứ xây dựng nhưng còn gặp nhiều khó khăn.

Đến nay, theo các nhà khảo cổ học, sau những cuộc khai quật, dấu tích khảo cổ học liên quan đến Ngô Quyền ở Cổ Loa đã có dù rất hiếm hoi. “Dấu ấn văn hóa vật chất duy nhất là quả chuông Nhật Tảo được các nhà Hán Nôm học phát hiện ở đình Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm). Còn dấu tích văn hóa vật chất thế kỷ thứ X ở Cổ Loa là Mả Tre. Các nhà khảo cổ học hy vọng đến thời điểm nào đó sẽ tìm thấy dấu tích thời Ngô ở Cổ Loa. Bên cạnh đó, những tư liệu dân gian và đặc biệt là câu đối trong đình Cổ Loa ghi rõ, Cổ Loa là nơi đóng đô của Ngô Quyền” – PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ.

Theo các nhà khoa học, đến nay, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa đã đủ những điều kiện tiên quyết. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết: “Vị trí xây dựng đang được nghiên cứu là khu vực có đường nội bộ bao quanh. Cấu trúc đền thờ chia làm ba khu vực chính: Khu vực thờ; trưng bày, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp Ngô Quyền và khu vực lễ hội”. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý, việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền là cần thiết nhưng phải đảm bảo được đúng mục đích đề ra và không ảnh hưởng đến cảnh quan chung của di tích.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: TP đã chỉ đạo nghiên cứu, quyết định thực hiện trong thời gian tới, trong đó có việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền theo quy hoạch 1/2000 đã được Thủ tướng phê duyệt; Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và các nhà khoa học đã nghiên cứu chuẩn bị địa điểm xây dựng mô hình kiến trúc bước đầu. Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh cũng đã có văn bản báo cáo với Thành ủy, UBND TP xin được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa lịch sử to lớn, là cơ sở để mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa - kinh đô của Nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương và trị vì từ năm 939 - 944.