Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng di tích thành điểm đến an toàn, hấp dẫn

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã triển khai hiệu quả mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn gắn với thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Các mô hình này mang lại ý nghĩa thiết thực, vừa góp phần tạo sự văn minh trong ứng xử cho những người quản lý di tích cũng như người dân, du khách, đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di tích lịch sử, văn hóa, phát huy giá trị của di sản trong đời sống.

Bài 1: Diện mạo mới của các di tích

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 50 mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” được triển khai. Qua đó, các mô hình này từng bước tạo dựng hình ảnh di tích lịch sử trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái.

Ứng xử văn minh tại di tích

Với bề dày truyền thống lịch sử của vùng đất xứ Đoài, huyện Đan Phượng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật có giá trị. Đến nay, toàn huyện có 88/155 di tích được xếp hạng, trong đó có 37 di tích cấp quốc gia, 1 di tích quốc gia đặc biệt, 50 di tích cấp TP.

Triển khai xây dựng mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn trên địa bàn 16 xã, thị trấn, huyện Đan Phượng đã lắp đặt hơn 100 bảng niêm yết bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm di tích; phát 45.300 tờ rơi tuyên truyền Quy tắc ứng xử tới từng hộ gia đình.

Tại điểm đến du lịch xã Hạ Mỗ gồm cụm di tích đền Văn Hiến, miếu Hàm Rồng, chùa Hải Giác, đình Vạn Xuân đã triển khai số hóa giới thiệu các di tích thông qua mã QR. Tiểu ban Quản lý di tích quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo đó, đối với người trông coi phải ứng xử lịch thiệp, nhã nhặn, đúng mực; nhắc nhở người đến tham quan, hành lễ tại di tích chấp hành quy định, nội quy, trang phục phù hợp; giữ gìn trật tự, vệ sinh chung; bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm cho biết, qua kiểm tra thực tế, tại các di tích Nhân dân đến chiêm bái và tham gia lễ hội đã thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Các lễ hội truyền thống trên địa bàn được diễn ra an toàn, văn minh, đúng quy định.

Công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan tại di tích được người dân thực hiện nghiêm túc. Năm 2024, chỉ riêng tại hai điểm du lịch xã Hạ Mỗ, điểm du lịch khu sinh thái Đan Phượng đón 23.600 lượt khách đến tham quan, du khách đều chấp hành tốt ứng xử văn hóa, văn minh du lịch.

Bảng Quy tắc ứng xử văn minh được đặt tại đền Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Huy Nguyện
Bảng Quy tắc ứng xử văn minh được đặt tại đền Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Huy Nguyện

Tại huyện Ứng Hòa, đầu tháng 11/2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã ra mắt mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu trong tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại đền Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang. Đền Hữu Vĩnh hay còn gọi là đền Đức Thánh Cả, đền Thiên Vựng, nổi tiếng linh thiêng, thu hút hàng vạn lượt khách thập phương đến chiêm bái mỗi năm.

Triển khai mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Quang đã lắp đặt bảng tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng, được cụ thể hóa bằng hình ảnh dễ nhìn, dễ hiểu. Hội cũng xây dựng, lắp đặt ngôi nhà xanh trong khuôn viên đền để thu gom phế liệu vừa phân loại rác, bảo vệ cảnh quan, vệ sinh trong đền vừa gây quỹ tặng hội viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ứng Hòa Phạm Thúy Hòa chia sẻ, mô hình được triển khai với mục đích giúp cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn, phụ nữ kinh doanh tại các điểm di tích lịch sử đã xếp hạng và cả du khách thập phương tới đền được tuyên truyền, thay đổi hành vi, ứng xử văn minh, thanh lịch.

Đáng chú ý, nhóm nòng cốt tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử nơi thờ tự cũng được thành lập, có nhiệm vụ tuyên truyền vận động Nhân dân, Phật tử, khách thập phương đến cơ sở thờ tự trên địa bàn mặc đúng trang phục, không nói tục chửi bậy, không mang vàng mã vào chùa, không xả rác bừa bãi ở khuôn viên nơi thờ tự…

“Mô hình có ý nghĩa thiết thực, vừa góp phần tạo sự văn minh trong ứng xử cho những người quản lý di tích cũng như người dân, du khách đến chiêm bái, đồng thời vừa thể hiện sự trân trọng với các di tích lịch sử, góp phần làm tăng giá trị đích thực của di tích” - bà Phạm Thúy Hòa chia sẻ.

Số hóa để tăng sức hấp dẫn

Từ năm 2017, bám sát yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 Quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội).

Hơn 7 năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện hai Quy tắc ứng xử đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn TP, xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh. Quy tắc ứng xử đã thực sự trở thành kim chỉ nam, xác lập nên giá trị của công dân Thủ đô trong thời hiện đại.

 

Triển khai mô hình di tích lịch sử văn hoá - điểm đến an toàn, hấp dẫn là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn huyện Đan Phượng. Từ đó, quận xây dựng tính chuẩn mực chung nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại các di tích; đồng thời xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, điểm đến an toàn, hấp dẫn, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của huyện.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy và Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 14/6/2024 của UBND TP về thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, nhiều mô hình, hoạt động cụ thể, thiết thực được các ngành, địa phương triển khai. Trong số đó phải kể đến mô hình xây dựng “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”.

Theo lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội, cốt lõi của việc triển khai thực hiện mô hình là: thiết kế, lắp đặt các biển, bảng niêm yết công khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng, hệ thống biển chỉ dẫn các khu vực, hệ thống thùng rác. Đồng thời, Sở vận động Ban Quản lý di tích đầu tư, chỉnh trang làm đẹp cảnh quan xung quan khu vực như chăm sóc cây xanh, giữ gìn vệ sinh, cải tạo nhà vệ sinh, làm đẹp khu vực danh lam thắng cảnh; các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong kinh doanh dịch vụ tại lễ hội. Từ kết quả mô hình thí điểm, đến nay TP đã nhân rộng triển khai thực hiện được 50 mô hình danh lam thắng cảnh/di tích lịch sử kiểu mẫu.

Cùng với thực hiện tốt ứng xử văn minh nơi di tích, nhiều địa phương còn đẩy mạnh số hóa các di tích để tăng sức hấp dẫn và tạo thuận lợi cho người dân, du khách tham quan, tìm hiểu về những địa danh này. Tiêu biểu như Quận Hai Bà Trưng đã triển khai số hóa tài liệu, tạo lập kho dữ liệu; số hóa 3D hiện vật, không gian cảnh quan di tích…

Đáng chú ý, tháng 5/2024, quận đã cho ra mắt website các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn với tên gọi “360 độ di tích lịch sử - văn hóa quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội” (360ditich.haibatrung.hanoi.gov.vn). Đây là trang thông tin điện tử giới thiệu và tìm hiểu toàn bộ 51/51 di tích trên địa bàn, với những hình ảnh 3D sinh động về các hiện vật lịch sử của di tích, tạo trải nghiệm trực quan, chân thực. Đặc biệt, bài giới thiệu còn tích hợp âm thanh, video, hình ảnh, bài viết thuyết minh tạo trải nghiệm đa phương tiện cho người dùng.

Tương tự tại quận Long Biên, Phòng Văn hóa - Thông tin quận phối hợp với Quận đoàn, các Tiểu ban Quản lý di tích tổ chức giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa thông qua quyết mã QR, Meta 365 và số hóa 360 đã tạo sự phong phú, hấp dẫn cho du khách.

Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên Bùi Thế Quân cho biết, riêng với khu di tích Lệ Mật đã số hóa hệ thống tư liệu chữ viết, đồ thờ tự, kiến trúc, mỹ thuật kiến trúc di tích phục vụ điểm đến du lịch; đồng thời, xây dựng các clip, phóng sự về tiềm năng giá trị di sản văn hóa Lệ Mật, tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Cùng với đó, 100% di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận được đầu tư đồng bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới với “4 tại chỗ”; triển khai hệ thống camera an ninh kết hợp với thường xuyên kiểm tra, giám sát và tuần tra an ninh của lực lượng Công an phường, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho Nhân dân khi đến di tích.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cũng đánh giá, nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP thời gian qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống vé điện tử, đổi mới tuyên truyền quảng bá trên website, mạng xã hội, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Qua đó đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch Thủ đô, tiêu biểu như: điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long…

 

Thủ đô Hà Nội là vùng đất giàu bản sắc văn hóa khi dẫn đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn với 5.922 di tích được kiểm kê. Trong đó có 1 di sản thế giới, 20 cụm di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích xếp hạng quốc gia, 1.500 di tích xếp hạng cấp TP.

 

(Còn nữa)