Những năm qua, Hà Nội đã cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ, hòa vào xu thế phát triển chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực đã đem lại những kết quả tích cực ban đầu đối với sự phát triển của TP. Đơn cử như việc hình thành các trung tâm điều hành, quản lý giao thông, xe buýt, thu thập thông tin phục vụ xử phạt nguội... đang tác động mạnh mẽ đến ý thức tham gia giao thông của người dân cũng như chất lượng dịch vụ vận tải công cộng của TP.
Hà Nội cần sớm xây dựng một kiến trúc tổng thể của ĐTTM, giúp TP có hệ thống thu thập, phân tích, quản lý dữ liệu đồng bộ. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng công nghệ thông tin là hướng tiếp cận chính với ĐTTM nhưng đòi hỏi nhiều thời gian, tài chính và công sức. Có thể khẳng định đây là quá trình cơ bản nhất, phức tạp và quan trọng nhất với Hà Nội trên lộ trình trở thành một ĐTTM.Kiến trúc sư trưởng về smart city của Tập đoàn Viettel Lê Quốc Hữu |
Hiện TP đã có tối thiểu 3 hệ thống giám sát giao thông, vận tải công cộng bằng camera, kết nối trực tuyến đến các trung tâm chỉ huy, điều hành. Trong đó có Trung tâm điều khiển giao thông của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, nơi tiếp nhận dữ liệu giao thông thời gian thực tế thông qua hệ thống camera gắn trên các tuyến phố, điểm nóng giao thông. Hệ thống tự động của Trung tâm cũng phân tích hình ảnh trên đường, tốc độ phương tiện giao thông di chuyển và đưa ra các cảnh báo khi xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông. Cảnh báo được chuyển tiếp từ Trung tâm đến ngay các Đội CSGT địa bàn để có phương án xử lý phân luồng.
Trung tâm điều hành xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) có chức năng chuyên biệt quản lý, điều hành hệ thống vận tải công cộng lớn nhất TP hiện nay. Trung tâm có chức năng kiểm soát, điều khiển mạng lưới xe buýt trợ giá của toàn TP thông qua hệ thống tín hiệu GPS và camera. Các xe buýt lưu thông trên đường sẽ truyền tín hiệu trực tiếp về vị trí, tốc độ, số lượng hành khách cũng như bất cứ sự cố nào xảy ra đột ngột, qua đó giúp quản lý chặt chẽ, linh hoạt hơn. Lãnh đạo Transerco đánh giá: “Công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách quản lý và chất lượng dịch vụ xe buýt, góp phần tích cực xây dựng hình ảnh vận tải công cộng văn minh, hiện đại”.
Một trong những lĩnh vực thể hiện rõ rệt nhất lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin là giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của hệ thống chính quyền các cấp, từng bước tối giản mọi công đoạn thủ tục cho người dân.
Các đơn vị công ích của Hà Nội cũng dần bắt nhịp với xu thế của thời đại công nghệ. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã triển khai hiệu quả ứng dụng HSDC Map, cung cấp thông tin, cảnh báo về ngập lụt qua các thiết bị di động cho người dân. Hay việc quản lý, điều khiển hệ thống chiếu sáng đã được Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị thực hiện trên nền tảng công nghệ thông minh...
Có thể nói, Hà Nội đã tạo nên những mảnh ghép đầu tiên cho một ĐTTM. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin vào những lĩnh vực đơn lẻ chỉ là một trong những hướng tiếp cận với mô hình ĐTTM. Muốn có một TP hiện đại, Hà Nội cần thêm những hướng tiếp cận khác.
|
Camera góp phần kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông một cách hiệu quả. Ảnh: Phạm Hùng |
Xây dựng kiến trúc tổng thểPhó Tổng Giám đốc Gamuda Land Dennis Ng Teck Yow cho rằng, việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ phụ thuộc vào hệ thống công nghệ mà còn cần cả một hệ thống hạ tầng thông minh để tạo ra sự liên kết.
Theo các chuyên gia, Hà Nội phải biết mình cần gì, công nghệ nào phù hợp, hạ tầng công nghệ thông tin sẽ được kết nối như thế nào cho phù hợp với hạ tầng xã hội của TP. Từ đó có thể định hình được nền tảng kỹ thuật thiết yếu cho hình thái đô thị thông minh. ĐTTM được vận hành dựa trên một trong những yếu tố quan trọng nhất là dữ liệu, thông tin.
Hà Nội hiện có nhiều lợi thế lớn để phát triển ĐTTM. Trước hết là tầm nhìn chiến lược và quyết sách phát triển của Chính phủ và chính quyền TP. Trên cơ sở đó, cùng với sự quan tâm thiết thực, sâu sát của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, Hà Nội sẽ có những điều kiện tối đa về chính sách, nguồn lực kinh tế nhằm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở cho ĐTTM.
Mặt khác, cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo một tương lai ổn định với nhiều cơ hội sẽ giúp Hà Nội thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội, đầu tư cho hạ tầng và các dịch vụ, tiện ích thông minh. Trên thực tế, nếu thiếu đi nguồn lực xã hội, nguồn ngân sách của TP, kể cả sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng không thể đủ để xây dựng cơ sở hạ tầng cho TP. Bởi vậy, thu hút được sự quan tâm, đầu tư của các DN, tổ chức xã hội sẽ tạo nên nguồn lực vô cùng quan trọng cho tương lai.
Bên cạnh những lợi thế, Hà Nội cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Trong đó có những khó khăn đến từ sự chuyển động chưa được như kỳ vọng của cơ chế, chính sách. Hay những khó khăn do phong tục, tập quán xã hội; bất cập, thiếu thốn của hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực...
Còn rất nhiều việc phải làm để Hà Nội trở thành một ĐTTM thực sự với những tiệc ích tối đa, nâng cao chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, những thách thức, khó khăn đó cũng chính là động lực to lớn, mạnh mẽ để Hà Nội nỗ lực vươn lên.