Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng hạ tầng tại huyện Đông Anh: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, huyện Đông Anh đã đạt nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) được đẩy mạnh để nhanh chóng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công xây dựng hạ tầng cơ bản.

Công tác bồi thường GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản của huyện Đông Anh đang được đẩy mạnh. Ảnh: Doãn Thành  
Công tác bồi thường GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản của huyện Đông Anh đang được đẩy mạnh. Ảnh: Doãn Thành  

Nhiều kết quả tích cực

Với mục tiêu từ nay đến năm 2023, phấn đấu phát triển huyện Đông Anh trở thành quận, từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2025, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng tâm, trọng điểm nhằm triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn trong điều kiện tập hợp nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn.

Xã Thụy Lâm là một trong những địa bàn tích cực nhất trong hoạt động GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản của huyện Đông Anh. Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm Nguyễn Văn Thu cho biết, được sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện trong 6 tháng đầu năm 2022, xã đã hoàn thiện công tác bồi thường, GPMB và tái định cư đối với gần 81.000m2 đất để phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất.

“Đây là một trong những dự án hạ tầng xây dựng khu dân cư nông thôn theo tiêu chuẩn đô thị loại V, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại để đấu giá quyền sử dụng đất. Qua đó nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần phát triển các khu dân cư nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, tiệm cận với đời sống đô thị” - ông Nguyễn Văn Thu nói.

Trong năm 2022, HĐND huyện Đông Anh đã thông qua việc phân bổ 447,4 tỷ đồng cho các đơn vị (từ dự phòng và danh mục giải ngân linh hoạt trong Kế hoạch đầu tư công năm 2022) để bố trí vốn cho các dự án được ưu tiên đầu tư như công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng mới hạ tầng giao thông... Đồng thời điều hòa kế hoạch vốn từ một số dự án dự kiến không đảm bảo tiến độ giải ngân cho những dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Kết quả, huyện Đông Anh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 243 trong tổng số 730 dự án được công bố đầu tư; 228 dự án đang lập hồ sơ; 11 dự án đã phê duyệt đầu tư. Giá trị giải ngân dự án huyện giao đạt hơn 530,3 tỷ đồng, chiếm 88,24% kế hoạch vốn được thông báo. Giá trị giải ngân dự án TP giao đạt 7,2 tỷ đồng, chiếm 16,27% kế hoạch vốn.

Bên cạnh đó, căn cứ Kế hoạch sử dụng đất năm 2022, UBND TP phê duyệt cho huyện Đông Anh 264 dự án/nhóm dự án với diện tích 1.126,39ha. Công tác GPMB các dự án trên địa bàn luôn được tập trung triển khai theo kế hoạch, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB những dự án trọng điểm của T.Ư, TP.

“Huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, GPMB cho 1.226 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích thu hồi trên 55,4ha, số tiền phê duyệt trên 421 tỷ đồng, hoàn thành di chuyển 519 ngôi mộ của 123 hộ gia đình với số tiền bồi thường hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng đối với các dự án: Khu đô thị mới, Thành phố thông minh.

Huyện cũng hoàn thành công tác GPMB và đề xuất UBND TP giao đất nhiều dự án như: Cụm công nghiệp Liên Hà, Cụm công nghiệp Thiết Bình và một số dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Từ đầu năm 2022, huyện tiếp tục triển khai công tác GPMB đối với 12 dự án mới đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho hay.

Huyện Đông Anh cưỡng chế xử lý dứt điểm vi phạm đất đai tại xã Uy Nỗ. Ảnh: Doãn Thành
Huyện Đông Anh cưỡng chế xử lý dứt điểm vi phạm đất đai tại xã Uy Nỗ. Ảnh: Doãn Thành

Đẩy mạnh đầu tư công

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, mặc dù công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Đơn cử, một số xã vẫn còn để phát sinh vi phạm mới về đất đai mặc dù đã được phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý như: Nam Hồng, Vân Nội, Võng La, Uy Nỗ, Tiên Dương, Thụy Lâm, Xuân Nộn...

Bên cạnh đó, tiến độ xử lý vi phạm cũ, tồn đọng theo kế hoạch diễn ra chậm; tình trạng buông lỏng quản lý dẫn tới phát sinh vi phạm, công tác kiểm tra, giám sát của một số phòng, ban chuyên môn thuộc huyện chưa kịp thời, chưa sâu sát.

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất chưa đáp ứng tiến độ theo kế hoạch được phê duyệt, ảnh hưởng tới nhiệm vụ thu ngân sách phục vụ chi đầu tư phát triển của huyện. Một số dự án đấu giá quyền sử dụng đất kéo dài vì dự án thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ đấu giá.

Đặc biệt, tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng tâm, công trình trọng điểm, như: Dự án đường gom phía Đông Quốc lộ 3, dự án trung tâm hành chính, một số dự án trường học... cũng chậm so với kế hoạch do năng lực của một số nhà thầu thi công chưa tốt; việc hoàn thiện thủ tục giao đất và ký hợp đồng thuê đất kéo dài.

Bên cạnh đó, tính chủ động trong công tác tham mưu của một số phòng, ban, đơn vị thiếu quyết liệt; thực hiện quy chế làm việc của UBND huyện chưa thực sự nghiêm túc, hiệu quả, thiếu chặt chẽ trong phối hợp, còn tình trạng đùn đẩy trong thực hiện nhiệm vụ.

“Để khắc phục những tồn tại nêu trên, trong 6 tháng cuối năm, huyện sẽ tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022 theo kế hoạch, chủ động đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công phù hợp điều kiện thực tế. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ GPMB, thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt, đảm bảo tiến độ, giá trị tập hợp nguồn thu; sắp xếp thứ tự ưu tiên tập trung nguồn lực để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án theo định hướng, chỉ đạo của TP và huyện” – ông Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm.

 

Tại buổi tiếp xúc của Tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 21 với cử tri huyện Đông Anh sau kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội, khóa XVI, đại diện cử tri đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của TP trên địa bàn...

 

 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện Đông Anh ước đạt 81.289 tỷ 961 triệu đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.099.715 triệu đồng, bằng 40% dự toán TP giao, 35% dự toán huyện giao và bằng 304% cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách huyện ước đạt 2.183.093 triệu đồng, bằng 51% dự toán TP giao, 43% dự toán huyện giao và bằng 102% so với cùng kỳ năm trước. Một số khoản thu từ thuế, phí, lệ phí bị chậm do chính sách quy định được gia hạn, miễn thuế, giảm thuế của Chính phủ và thu từ tiền sử dụng, đấu giá quyền sử dụng đất chủ yếu tập trung vào quý III, IV/2022.