Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô trong thời đại mới

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Thực trạng và giải pháp” .

Đây là tọa đàm nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho các cơ quan, ban, ngành và Nhân dân về giữ gìn, phát triển văn hóa nói chung, định hình hệ giá trị gia đình nói riêng.

Yêu cầu từ thực tiễn

Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Trong đó, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, sự phát triển với tốc độ cao của Hà Nội, đặc biệt tình trạng đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa khó bắt kịp” gây ra nhiều hệ lụy, trong đó vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều trong lý luận cũng như thực tiễn cuộc sống…

Vấn đề là, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại hay chưa? Những giá trị nào trong hệ giá trị gia đình truyền thống của Hà Nội cần được gìn giữ, phát huy? Những giá trị nào cần bổ sung? Và giải pháp nào cho nhiệm vụ này? Có thể thấy trong hàng loạt vấn đề cũ, mới song đều đặt cho văn hóa Hà Nội những nhiệm vụ mới, trong điều kiện mới, cần triển khai một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi.

Hà Nội hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh: Công Hùng
Hà Nội hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ảnh: Công Hùng

Thời gian qua, việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, ở các quận, huyện vẫn còn tồn tại, hạn chế.

Theo Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh: “Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiến triển còn chậm, kết quả chưa tương xứng với yêu cầu phát triển văn hóa Thủ đô. Một số giá trị con người  như việc “coi trọng trí tuệ và đạo đức hơn tiền bạc và danh lợi”, “sự lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp” đang bị mai một. Nhiều thói xấu của người dân như lối sống xô bồ, hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, nhà trường, xã hội, khi tham gia giao thông, các biểu hiện coi thường luật pháp, xả rác thải bừa bãi nơi công cộng… có chiều hướng gia tăng, đang dần làm mất đi hình ảnh đẹp của con người Hà Nội và văn hóa Hà Nội”.

Củng cố vững chắc

Từ nhiều năm nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô thực hiện nhiều giải pháp trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nếp sống văn minh. Là vùng lõi của Hà Nội, người Hoàn Kiếm luôn coi trọng cách đối nhân xử thế, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong gia đình. Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, những giá trị nền tảng ấy vẫn luôn tồn tại và là thành tố giúp duy trì sự bền vững, lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, xác định vai trò quan trọng của gia đình, vun đắp giá trị gia đình, trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã luôn quan tâm triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc trong gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người dân trên địa bàn quận luôn quan tâm thực hiện và hướng tới.

 

Đảng bộ và chính quyền quận Ba Đình luôn quan tâm tới việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025 được xác định gồm các nội dung, như bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm

 

Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ, bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình trên địa bàn quận góp phần vào việc xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực văn hóa người Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm TP đang trải qua quá trình tiếp thu, giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Bên cạnh đó, để gìn giữ văn hóa truyền thống song hành với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, theo lãnh đạo các địa phương cần khảo sát kỹ lưỡng thực trạng văn hóa đô thị, văn hóa ứng xử của người dân để từ đó tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu giao tiếp, xu hướng thực hành ứng xử, lĩnh vực cần tập trung giải quyết, lĩnh vực có những tác động gián tiếp hoặc trực tiếp để định hướng, định hình chuẩn mực ứng xử văn hóa của người dân trong bối cảnh hiện nay. Cần nâng cao nhận thức giá trị của gia đình, xây dựng các tiêu chí đặc trưng về người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Cụ thể hóa các vấn đề, theo lãnh đạo các địa phương, vấn đề đặt ra là trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng Hà Nội cần gìn giữ và gia tăng giá trị văn hóa gia đình như thế nào để thích ứng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Theo tôi phẩm chất quan trọng nhất của người Hà Nội cần phải duy trì, gìn giữ đó là hào hoa, thanh lịch, văn minh. Đây chính là chất, thương hiệu riêng của người Hà Nội xưa. Để giá trị này có sức sống mới, cần xây dựng và lượng hóa rõ các nội hàm hào hoa, thanh lịch, văn minh trong giai đoạn mới. Cụ thể cần biểu hiện ra bằng hành động cụ thể như lời ăn, tiếng nói, phong cách ăn mặc thế nào; lối ứng xử, sự hiểu biết ra sao… Từ đó các ngành, địa phương làm căn cứ tổ chức thực hiện và triển khai đồng bộ, thống nhất, đầy đủ từ trên xuống dưới”.

 

Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để chủ trương xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh ngày càng lan tỏa sâu rộng; chú trọng công tác biểu dương gia đình văn hóa, bởi gia đình thực sự trở thành tổ ấm hạnh phúc của mỗi người sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong tình hình mới.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi

 

Mặt khác, các chuyên gia khẳng định, văn hóa thanh lịch Hà Nội thời gian qua có hao hụt, phai nhạt ít nhiều “nếp xưa” nhưng chắc chắn luôn là hồn cốt của

Hà Nội hiện tại và tương lai. Bởi, hai từ “thanh lịch” đã là biểu tượng cho phẩm chất, giá trị tinh thần của người Thăng Long – Hà Nội xưa và nay. Giá trị bất biến ấy được lưu giữ, trao truyền trong ca dao, tục ngữ “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.