Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, giảm thiểu các vụ kiện phòng vệ thương mại

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhưng doanh nghiệp đang phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng tăng. Để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh các hoạt động cảnh báo sớm, chống gian lận xuất xứ.

Số vụ kiện phòng vệ thương mại gia tăng

Mới đây, Cục PVTM (Bộ Công Thương) có Công văn số 299/PVTM-P3 gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cảnh báo Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Nguyên nhân xuất phát từ việc vào tháng 2/2020, Hoa Kỳ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với sản phẩm tủ gỗ xuất xứ từ Trung Quốc, với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%. Ngay sau khi Hoa Kỳ áp mức thuế này với hàng Trung Quốc, lượng sản phẩm tủ gỗ Made in Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh.

Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản của Việt Nam. Tương tự, cuối tháng 11/2021 mặt hàng mật ong cũng bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp dụng thuế chống bán phá giá sơ bộ lên mặt hàng này ở mức 412,49%.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh sản phẩm may mặc có dấu hiệu nhập lậu
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh sản phẩm may mặc có dấu hiệu nhập lậu

Đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm Việt xuất khẩu đối mặt với các vụ kiện PVTM. Liên tục trong nhiều năm qua hàng Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới bị các nước nhập khẩu áp thuế chống bán phá giá. Năm 2021, Ủy ban châu Âu cũng ra thông báo khởi xướng điều tra rà soát gia hạn áp biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm cán nguội, ống thép đúc, thép mạ, thép tấm không gỉ... nhập khẩu từ Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia đã áp thuế chống bán phá giá từ 7,81 - 23,84% mặt hàng thép không gỉ cán nguội của Việt Nam.

Cục trưởng Cục PVTM Lê Triệu Dũng cho biết, những năm qua, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc, nếu như năm 2001 kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15 tỷ USD, những năm 2021 đã đạt 336 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt tăng cao đã tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất của nước nhập khẩu, khiến doanh nghiệp bản địa yêu cầu chính phủ sử dụng các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp. 

“Thời gian gần đây, số lượng vụ việc PVTM với hàng Việt Nam xuất khẩu đã tăng nhanh. Tính đến hết quý I/2022, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ điều tra PVTM. Các vụ kiện PVTM ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc và Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA” - ông Lê Triệu Dũng nêu rõ.

Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm

Theo các chuyên gia kinh tế, để hạn chế những vụ kiện PVTM, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi cần phải đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May Sơn Tây
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May Sơn Tây

Phó Cục trưởng Cục PVTM Phạm Châu Giang chia sẻ, khi các doanh nghiệp xuất khẩu của một nước bị áp dụng biện pháp PVTM thường chuyển sản xuất sang nước khác để hưởng lợi thuế. Trong khi đó, Việt Nam với chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trở thành một trong những lựa chọn để các doanh nghiệp đó dịch chuyển sản xuất. Mặc dù việc chuyển dịch sản xuất đã góp phần khiến kim ngạch xuất khẩu Việt Nam gia tăng đột biến, nhưng dễ trở thành đối tượng theo dõi, áp dụng các biện pháp PVTM hoặc chế tài xử phạt của nước nhập khẩu.

“Hoa Kỳ và EU đang nghi ngờ Việt Nam là nơi doanh nghiệp Trung Quốc đưa hàng sang thông qua hình thức đầu tư nhà máy chế biến giai đoạn cuối để thay đổi xuất xứ sản phẩm, từ đó hưởng lợi chính sách thuế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết”- bà Phạm Châu  Giang nêu rõ.

 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm theo lộ trình tại Đề án 316. Thông qua hoạt động này tăng cường việc quản lý, giám sát các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để đảm bảo uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu làm ăn chân chính.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ bất hợp pháp, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng, định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp. Kết quả xác minh đã phát hiện một số doanh nghiệp có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng thấp tại Việt Nam, từ đó các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.

“Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM. Cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men” - ông Đỗ Thắng Hải nêu rõ.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM (Đề án 316). Thông qua hệ thống cảnh báo sớm doanh nghiệp chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách hợp lý, qua đó hạn chế đối mặt với các vụ kiện PVTM.

Thực tế cho thấy hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp mới được triển khai nhưng đã thu được một số kết quả tích cực. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe nhưng 95,5% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này sang Hoa Kỳ không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, chỉ áp dụng với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, trong khi doanh nghiệp Hoa Kỳ cáo buộc 110%.

Mặc dù hệ thống cảnh báo sớm đã mang lại những kết quả tích cực trong việc ứng phó với các vụ kiện PVTM, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo để giảm thiểu rủi ro đối mặt với những vụ kiện PVTM, doanh nghiệp nên đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường.