Nhiều vi phạm trong sử dụng đất đai
Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, trong hai năm 2017 - 2018, Sở đã lập hồ sơ, trình UBND TP quyết định thu hồi 109.358m2 đất vi phạm; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình TP thu hồi 12 dự án với tổng diện tích 2.868.112m2 đất. Tình trạng lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp... vẫn còn xảy ra tại các địa phương trên địa bàn TP.
Hệ thống dữ liệu số về quản lý đất đai sẽ giúp đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. |
Đáng chú ý, những vi phạm trong sử dụng đất đai không chỉ từ người dân mà còn từ các DN. Cũng trong năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 4677/UBND-ĐT về việc kiểm tra, theo dõi, xử lý đối với 39 dự án bị chấm dứt hoạt động, vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn TP.
Theo TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, những vi phạm trong sử dụng đất đai xảy ra là do hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai còn hạn chế. Hệ thống dữ liệu hiện tại chưa cung cấp đầy đủ những nhu cầu về thông tin, như: Việc lập, điều chỉnh, quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; việc đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc quản lý tài chính đất đai và giá đất...
“Hệ thống dữ liệu thông tin hiện nay phần lớn vẫn quản lý theo phương thức hồ sơ truyền thống, phải mất rất nhiều thời gian để tra cứu, tìm kiếm, từ đó khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn dẫn tới việc xảy ra những vi phạm trong sử dụng đất đai tại Hà Nội trong thời gian qua” - TS Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thành - Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) cho rằng, hiện nay chưa xây dựng được hệ thống theo dõi đánh giá và hướng dẫn thực hiện, việc đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương chưa có nội dung đánh giá đầy đủ; vì thế chưa có được những kết quả đánh giá sát thực với từng địa phương; ngoài ra hệ thống cơ quan kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về đất đai còn thiếu ổn định về tổ chức, lực lượng còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. “Vấn đề này không chỉ ở riêng TP Hà Nội mà là tình trạng chung trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên cả nước” - TS Nguyễn Xuân Thành nói.
Xây dựng dữ liệu quản trị thông minh
TS Nguyễn Ngọc Sinh cho biết thêm, hiện nay cách mạng công nghệ 4.0 đã “len lỏi” đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Để đáp ứng với nhu cầu quản lý đô thị nói chung, trong đó có nhu cầu về quản lý đất đai trong quá trình phát triển đô thị, TP Hà Nội cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai trên tiêu chí quản trị thông minh hay nói cách khác là hệ thống “dữ liệu số”, để phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ đô thị theo hướng thông minh.
Trong giai đoạn hiện nay nhu cầu sử dụng thông tin và dịch vụ đô thị của các tổ chức, DN, công dân ngày càng cao, trong môi trường có nhiều thiết bị cá nhân hiện đại, dễ dàng truy cập mạng không dây. Việc xây dựng quản lý dữ liệu đô thị và đất đai thông minh, sẽ góp phần nâng cao năng lực quản trị của các cơ quan Nhà nước của TP và phục vụ nhu cầu xã hội tốt hơn.
Theo ThS. KS Phan Trọng Dũng - Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, giải pháp để xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về quản lý đất đai trên địa bàn TP cần phải tập trung vào các nội dung, như: Lập hồ sơ hiện trạng nền địa hình TP Hà Nội (bằng hệ thống thông tin địa lý - GIS); Tổng thể hồ sơ địa chính TP Hà Nội; Hồ sơ quy hoạch đô thị và quản lý đô thị, hệ thống hạ tầng kinh tế đô thị; Dữ liệu quản lý hành chính, dân cư; Hồ sơ quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội.
Sau khi tổng hợp được thông tin sẽ xác định quy mô, định dạng, tính khả thi trong chuyển đổi dữ liệu và tích hợp trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu. Từ đó xác định dữ liệu nào còn thiếu để điều tra, khảo sát, bổ sung.
“Tất cả những thông tin này cần phải được tích hợp trong cơ sở dữ liệu số, việc xây dựng tiêu chí về dữ liệu số sẽ đáp ứng được yêu cầu lâu dài về quản lý đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ công để tổ chức, DN và công dân có thể tra cứu thông tin, dịch vụ xã hội qua internet, smartphone...” - ThS. KS Phan Trọng Dũng nói.
Cũng theo ThS. KS Phan Trọng Dũng, muốn vận hành hệ dữ liệu số về quản lý đất đai, thì TP cần phải xây dựng được hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu chung của đô thị, như: Các quy định về quản lý, sử dụng dữ liệu; hệ thống phần cứng và phần mềm; hệ quản trị chuyên ngành và quản trị ứng dụng với cổng thông tin điện tử của TP.
Cùng với đó, phải đào tạo đội ngũ nhân sự có chuyên môn sâu về quản lý ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đa ngành và tuyên truyền phổ biến các ứng dụng công nghệ số rộng rãi trong Nhân dân và các hoạt động đô thị.
"Việc đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai nhằm đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Nhưng để thực hiện được việc này, không chỉ là sự vào cuộc của riêng các cơ quan Nhà nước cấp TP, mà cần sự triển khai mạnh mẽ, minh bạch, thực tế của cả các cấp chính quyền cơ sở, từ cấp xã - phường, thị trấn. Xây dựng được hệ thống dữ liệu số về quản lý đất đai là cơ sở để thúc đẩy Hà Nội phát triển đô thị thông minh." - PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục Trưởng Cục hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) |