Chương trình giáo dục phổ thông mới

Xây dựng kế hoạch để giáo viên có thể chuyển từ đơn môn thành đa môn

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đối với việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, Bộ yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch để giáo viên có thể chuyển từ đơn môn thành đa môn và có lộ trình từng năm, qua đó đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên.

Ngày 20/2, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” họp Phiên thứ 2.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Daibieunhandan.vn
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Daibieunhandan.vn

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng đoàn Giám sát chủ trì phiên họp. Cùng dự họp có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Triển khai đồng bộ ở các địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi mới

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được dư luận xã hội, Nhân dân rất quan tâm. Mục tiêu của Đoàn giám sát nhằm chỉ ra được những mặt tốt đã làm được nhằm tiếp tục phát huy, đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, vướng mắc để kịp thời khắc phục, tháo gỡ để góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Daibieunhandan.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Daibieunhandan.vn

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với định hướng, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được thành công bước đầu, bảo đảm đủ sách giáo khoa triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết 51. Các trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền (không có bất kỳ cơ sở giáo dục nào chưa được triển khai thực hiện). Tuy việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn có sự khác nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục nhưng về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo với Đoàn giám sát. Ảnh: Daibieunhandan
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ báo cáo với Đoàn giám sát. Ảnh: Daibieunhandan

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện triển khai. Theo đó, việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và chương trình các môn ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh chậm so với các môn học khác. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS và cấp THPT, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới. Số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ, đồng thời còn thiếu so với quy định. Ở một số địa phương, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn tình trạng thiếu trường, lớp…

Rà soát đội ngũ giáo viên các bộ môn tích hợp

Phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, một điểm quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ truyền tải kiến thức sang phát triển năng lực. Bộ GD&ĐT cần làm rõ việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực theo quan điểm này, để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng định hướng đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Daibieunhandan.v
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Daibieunhandan.v

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, các trường học đang triển khai việc chuyển đổi chương trình cũ sang chương trình mới theo trình tự cuốn chiếu, gây ra sự đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên, gây khó khăn cho các học sinh phải học một chương trình học mới khi lên cấp. Do đó, Bộ GD&ĐT cần làm rõ giải pháp để giúp học sinh bổ trợ kiến thức, đồng thời giúp giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp.

“Một số trường sư phạm đang đào tạo sinh viên khối khoa học tự nhiên, sử, địa… nhưng số lượng tuyển sinh và sắp tới tốt nghiệp so với yêu cầu là rất ít. Trong khi đó, số giáo viên thực tế đi bồi dưỡng rồi có chứng chỉ cũng chưa tự tin khi giảng dạy môn tích hợp. Bộ GD&ĐT có giải pháp gì giải quyết vấn đề này” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa băn khoăn.

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, hiện nay các địa phương đang có những cách hiểu khác nhau trong việc sử dụng sách giáo khoa, do vậy cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông để thống nhất cách hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với vấn đề này. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần rà soát để cung cấp số liệu đầy đủ hơn về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các bộ môn tích hợp trên phạm vi cả nước.

Rà soát, bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên

Giải trình về các nội dung, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc kiểm tra, đánh giá năng lực theo hướng là đánh giá quá trình, thông qua các hoạt động, dự án. Trong quá trình thực hiện các hoạt động để giải quyết vấn đề, học sinh phải tìm tòi, trao đổi, khám phá. Qua đó, giáo viên đánh giá thường xuyên...

Về việc bổ trợ kiến thức cho học sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Bộ đã ban hành công văn hướng dẫn quy định khối lượng kiến thức cần bổ sung cho từng môn học. Các nhà trường xây dựng chương trình để bù đắp kiến thức cho các em.

Đối với việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, các nước trên thế giới không phải tất cả môn khoa học đều có giáo viên dạy được 3 phân môn mà tùy theo điều kiện của từng nhà trường để bố trí giáo viên phù hợp. Bộ đã đưa ra lộ trình, yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch để giáo viên có thể chuyển từ đơn môn thành đa môn và có lộ trình từng năm; rất linh hoạt với từng nhà trường, qua đó đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Tổ giúp việc đã tích cực, chủ động triển khai nội dung hoạt động theo Kế hoạch. Đồng thời đề nghị Tổ giúp việc tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương, cơ quan chưa gửi báo cáo kết quả giám sát khẩn trương hoàn thiện gửi Đoàn giám sát bảo đảm đúng tiến độ.