Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng lương tối thiểu năm 2023: Không để lỗi hẹn

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ LĐTB&XH đã có công văn gửi sở LĐTB&XH các tỉnh, TP triển khai kế hoạch điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng lương tối thiểu năm 2023 và các chính sách liên quan, bắt đầu từ ngày 1/4/2022.

Bộ này dự kiến có 2.000 DN thuộc nhiều nhóm, ngành tại 18 tỉnh, TP đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước sẽ được tiến hành khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu. Đón nhận thông tin này, nhiều người lao động rất phấn khởi, bởi từ năm 2020 Nhà nước chưa điều chỉnh lương tối thiểu.

Theo số liệu thống kê mới đây, các yếu tố liên quan đến tiền lương như tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng hơn 5%, năng suất lao động cũng tăng bình quân tới 5,8%/năm. Chính vì thế việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, hiện nhiều DN vẫn dựa vào mức lương tối thiểu Nhà nước quy định (vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng) để làm căn cứ tính lương cho công nhân.

Trong khi tình hình vật giá leo thang, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, với đồng lương eo hẹp khiến cuộc sống của người lao động (NLĐ) và gia đình họ càng khốn đốn hơn. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới thời gian qua diễn ra tranh chấp giữa NLĐ và sử dụng lao động tại một số khu công nghiệp.

Từ những phân tích về các chỉ số GDP, CPI, năng suất lao động, các chuyên gia lao động cho rằng, chúng ta đang nợ NLĐ một khoản tăng lương trong 2 năm 2020 và 2021 khoảng 10%, rất cần phải thực hiện ngay trong năm 2022. Nếu chúng ta cứ trì hoãn, đời sống của công nhân lao động càng khó khăn hơn, khó có thể yên tâm lao động sản xuất. Không những thế, nếu chờ đến năm 2023 mới điều chỉnh tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với phải tính toán mức bù đắp được phần của 3 năm không tăng cho NLĐ. Và, nếu mức tăng lương tối thiểu nhiều sẽ gây sốc và vượt quá khả năng chi trả của DN.

Mặt khác, theo quy định, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên, hiện nay, theo tính toán của chuyên gia công đoàn, mức lương tối thiểu đang “nợ” mức sống tối thiểu khoảng 15%. Đó là lý do công nhân luôn có nhu cầu làm thêm, kể cả những người đang đi tìm việc đều hỏi chủ sử dụng lao động có tăng ca thì mới nộp hồ sơ.

Một vấn đề hiện nay, đó là mức sống tối thiểu của NLĐ đang được thực hiện theo tỷ lệ: 48% lương thực thực phẩm và 52% phi lương thực thực phẩm. Các chuyên gia nghiên cứu về lao động cho rằng, cũng cần điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ phi lương thực thực phẩm và giảm tỷ lệ lương thực thực phẩm. Cũng bởi trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc ăn uống đủ chất để phòng chống dịch bệnh, người công nhân còn phải chi phí cho việc khám chữa bệnh, thuê người trông giữ con…

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hậu quả dịch Covid-19”, các DN đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho NLĐ hoàn toàn chính đáng. Để giữ chân NLĐ trong bối cảnh tuyển dụng người làm rất khó khăn, đã có những DN chấp nhận tăng lương để động viên và chia sẻ với NLĐ. Về phía NLĐ rất phấn khởi đã làm việc hăng say, tăng năng suất lao động để đáp lại tấm chân tình của chủ sử dụng lao động.

Xem xét để tăng lương ngay trong năm 2022 đó đang là yêu cầu mà NLĐ đặt ra nhằm bù đắp cho những khó khăn sau 2 năm đối phó với đại dịch và thực hiện mở cửa kinh tế - xã hộ trở lại.