Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng mô hình khuyến nông: Gắn với chuỗi liên kết nông sản an toàn

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, cùng với đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Trung tâm) sẽ xây dựng các mô hình gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn nhằm nâng cao giá trị cho nông sản Thủ đô cũng như tăng thu nhập cho nông dân. Đó là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương.

Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của các mô hình khuyến nông mà Trung tâm thực hiện trong năm qua?

- Năm 2018, Trung tâm đã triển khai 26 dạng mô hình, gồm: 11 dạng mô hình trồng trọt, 8 dạng mô hình chăn nuôi, thủy sản, 7 dạng mô hình cơ giới hóa. Hầu hết các mô hình đều đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng, được nông dân đón nhận, đánh giá cao. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi bò sinh sản được triển khai trong 2 năm (2017 - 2018) trên địa bàn 3 huyện miền núi Mỹ Đức, Thạch Thất và Ba Vì với quy mô 90 con cho 90 hộ nghèo.

Đến nay, bò sinh trưởng, phát triển tốt, đàn bò đã đẻ được 16 bê con khỏe mạnh. Mô hình có ý nghĩa rất lớn với các hộ nghèo, vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất để các hộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hay như mô hình nuôi cá chép ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, cũng được đánh giá cao khi cho năng suất đạt trên 18 tấn/ha, thu lãi 200 triệu đồng/ha. Nếu nuôi ở diện tích sông tối đa, năng suất có thể đạt từ 25 - 30 tấn/ha cao, hơn 3 – 4 lần so với phương pháp nuôi cá truyền thống.

Vậy Trung tâm làm gì để nhân rộng các mô hình khuyến nông trong thời gian tới?

- Năm 2019, trung tâm tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp, khóa tập huấn chuyên sâu cho cán bộ khuyến nông và nông dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của mô hình nhằm tạo sức lan tỏa. Đáng lưu ý, về công tác chọn hộ, chọn điểm, ngay từ tháng 7/2018, chúng tôi đã triển khai chọn hộ, chọn điểm triển khai mô hình năm 2019. Tiếp đó, giao trách nhiệm cho các phòng trạm rà soát kỹ lưỡng đối với các điểm, các hộ đã chọn phải đáp ứng theo đúng yêu cầu về năng lực đối ứng nhằm hạn chế thấp nhất việc thay đổi khi thực hiện.

Ngoài ra, để các mô hình đạt yêu cầu theo chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Trung tâm coi trọng việc tổ chức tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, khuyến nông viên nhằm triển khai các hoạt động khuyến nông năm 2019 đúng đối tượng, đúng chính sách và đúng Luật Ngân sách hiện hành.

Các đại biểu, chuyên gia đánh giá chất lượng mạ khay tại Trung tâm Mạ khay Kubota Quốc Oai.
Việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn đang là hướng đúng của ngành nông nghiệp Thủ đô. Liệu các mô hình khuyến nông thực hiện trong 2019 có gắn được với chuỗi tiêu thụ sản phẩm không, thưa bà?

- Năm 2019, Trung tâm sẽ tập trung vào các mô hình sản xuất đảm bảo ATTP và nâng cao giá trị. Cụ thể, Trung tâm sẽ triển khai mô hình trồng bưởi, nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP. Theo đó, Trung tâm chỉ đạo các trạm phối kết hợp chặt chẽ với Phòng Kinh tế huyện, thị xã và các phòng chuyên môn của Trung tâm để hướng dẫn cho bà con ngay khi bắt đầu triển khai mô hình.
Phối hợp với Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội tổ chức tập huấn cho bà con về tiêu chuẩn sản xuất VietGAP. Khi đã đạt yêu cầu về chứng nhận VietGAP, Trung tâm sẽ phối hợp với các DN, cửa hàng để tiêu thụ cho bà con. Vừa qua, chúng tôi đã làm việc với Chuỗi thực phẩm Organic green, DN này đã cam kết song hành cùng đơn vị trong việc hướng dẫn sản xuất và thu mua sản phẩm cho nông dân.

Thực tế việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa của Hà Nội vẫn đạt thấp, vậy theo bà, làm sao để khắc phục tình trạng này?

- Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa của Hà Nội đã đạt 100%, song tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy chỉ đạt 5%. Vì vậy, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ các mô hình cơ giới hóa đối với khâu gieo cấy. Đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các DN hỗ trợ các trạm thành lập 5 Trung tâm Mạ khay với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Công ty TNHH Kubota Việt Nam và nguồn vốn Quỹ Khuyến nông TP.

Xin cảm ơn bà!