Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng một xã hội không rào cản người khuyết tật

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật (NKT). Số lượng NKT được tiếp cận các chính sách, chương trình chăm sóc NKT của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng.

Chương trình Kỷ niệm 30 năm ngày Quốc tế về NKT và Diễn đàn lắng nghe tiếng nói của NKT được tổ chức ngày 1/12 tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ: Hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng chiếm 28,9%, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo.

Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày Quốc tế về người khuyết tật. Ảnh: Trần Oanh.
Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày Quốc tế về người khuyết tật. Ảnh: Trần Oanh.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn dành cho NKT sự quan tâm, chăm lo cho sâu sắc được thể hiện trong Hiến pháp, Luật NKT và các Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Giao thông, Luật Trợ giúp pháp lý…

Năm 2014, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, năm 2019 phê chuẩn Công ước 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động, việc làm; phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của NKT một cách hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi (ngoài cùng bên phải) tham quan gian hàng của Câu lạc bộ gia đình người tự kỷ Hà Nội trưng bày sản phẩm do người khuyết tật sản xuất. Ảnh: Trần Oanh.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi (ngoài cùng bên phải) tham quan gian hàng của Câu lạc bộ gia đình người tự kỷ Hà Nội trưng bày sản phẩm do người khuyết tật sản xuất. Ảnh: Trần Oanh.

Năm 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT, khẳng định quan điểm, chủ trương, yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với NKT, tổ chức của NKT, định hướng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo quyền của NKT.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp NKT.

Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12 Nguyễn Kim Khôi (phải) giới thiệu các sản phẩm cờ do những người khuyết tật may. Ảnh: Trần Oanh.
Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12 Nguyễn Kim Khôi (phải) giới thiệu các sản phẩm cờ do những người khuyết tật may. Ảnh: Trần Oanh.

Đến nay, số lượng NKT được tiếp cận các chính sách, chương trình chăm sóc NKT của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Các địa phương đã xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu NKT. Trên 1,1 triệu NKT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, 95% NKT có thẻ bảo hiểm y tế…

Bảo đảm tiếp cận giáo dục cho NKT, đến nay cả nước có 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật; ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail đã được thống nhất trong toàn quốc. Trong 10 năm qua, mỗi năm có 17.000 – 20.000 NKT được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Hiện cả nước có 63 trung tâm dịch vụ việc làm, bình quân mỗi năm các đơn vị tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20.000 lượt NKT với tỷ lệ thành công đạt trên 50%. Trong giai đoạn 2012-2020, ước tính có khoảng gần 39.000 NKT được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm. Các chính sách cho NKT khi tham gia giao thông và vào khu vui chơi giải trí được các địa phương thực hiện với mức miễn giảm từ 25 – 100%…

Câu lạc bộ gia đình người tự kỷ Hà Nội giới thiệu các sản phẩm bờm, cặp tóc, cài áo... do những người khuyết tật tự làm. Ảnh: Trần Oanh.
Câu lạc bộ gia đình người tự kỷ Hà Nội giới thiệu các sản phẩm bờm, cặp tóc, cài áo... do những người khuyết tật tự làm. Ảnh: Trần Oanh.

Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp NKT nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của NKT. Vẫn còn nhiều NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

 “Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ những quy định trong Hiến pháp và pháp luật về NKT, cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đặc biệt là sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật NKT trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi bổ sung và đề xuất những nội dung liên quan đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm,… để phù hợp với Công ước và thực tiễn”- Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

Ngay tại Lễ Kỷ niệm ngày Quốc tế  về người khuyết tật, các công ty, trung tâm, câu lạc bộ giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật. Ảnh: Trần Oanh. 
Ngay tại Lễ Kỷ niệm ngày Quốc tế  về người khuyết tật, các công ty, trung tâm, câu lạc bộ giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật. Ảnh: Trần Oanh. 

Ông Nguyễn Văn Hồi cũng rất mong các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm đảm bảo chính sách, pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của NKT được thực thi. Và tin rằng, với nhận thức ngày càng sâu sắc tinh thần của Công ước về quyền của NKT, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được kết quả thiết thực trong việc xây dựng một xã hội không rào cản thực sự. Đó là cơ hội để NKT được bình đẳng, sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội.

 

Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người khuyết tật

Phát biểu tại Chương trình Kỷ niệm 30 năm ngày Quốc tế về người khuyết tật, Chủ tịch Hội Người khuyết tật (NKT) Hà Nội Dương Thị Vân cho rằng, nhận thức của toàn xã hội và của NKT về vấn đề hòa nhập khuyết tật đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Cách tiếp cận vấn đề khuyết tật được chuyển dần từ mô hình từ thiện sang mô hình xã hội. Bằng kiến thức, kinh nghiệm thực tế, các tổ chức của NKT và Hội NKT Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, tập trung tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách hỗ trợ NKT của Nhà nước và TP tới NKT. Và thực hiện giám sát các hoạt động trong lĩnh vực khuyết tật, đặc biệt với 2 vấn đề mà Liên Hợp Quốc đưa ra trong chủ đề năm nay là Bình đẳng và Tiếp cận (tiếp cận công trình xây dựng, giao thông, tiếp cận công nghệ thông tin và tiếp cận các dịch vụ).

Về phía các hội NKT cơ sở đã tăng cường hỗ trợ, tư vấn dạy nghề, tìm kiếm việc làm cho hội viên NKT đặc biệt là thanh niên và phụ nữ khuyết tật; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay cho NKT làm kinh tế. Đồng thời, Hội NKT Hà Nội phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên, với các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh & dịch vụ để tuyển dụng NKT vào làm việc. Cùng với đó là khuyến khích NKT khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, thu hút lao động là NKT.