Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Xây dựng nền y tế hướng đến nâng cao sức khỏe, phòng bệnh

Thanh Hải - Vũ Cúc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội cần xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, với chiến lược hướng đến xây dựng nền y tế nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, thay cho chiến lược tập trung phát hiện và điều trị bệnh.

Đây là gợi ý của của GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội tại hội thảo khoa học định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 29/9.

Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại

Đánh giá thực trạng hệ thống y tế của Thành phố Hà Nội, GS.TS.BS Tạ Thành Văn cho rằng, hệ thống y tế còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Với hệ thống y tế công lập, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô chưa đồng đều và chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học sự phòng; giữa các chuyên khoa là vấn đề tồn tại nhiều năm. Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chuyên khoa chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội ở giữa Thủ đô.

GS.TS.BS Tạ Thành Văn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội tham luận tại hội thảo.
GS.TS.BS Tạ Thành Văn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Hà Nội tham luận tại hội thảo.

Trong khi đó, Hà Nội chưa có các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội cũng như chưa có các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của ba lĩnh vực.

Bên cạnh hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế ngoài công lập đang từng bước phát triển, thể hiện vai trò của mình trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hệ thống y tế tư nhân hầu như hình thành tự phát, chưa nằm trong quy hoạch tổng thể của mạng lưới y tế Thủ đô. Điều này đã làm mất sự cân đối trong bức tranh tổng thể về cung cấp các dịch vụ y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn Thủ đô.

Nêu quan điểm về phát triển hệ thống y tế Thủ đô, GS.TS.BS Tạ Thành Văn cho rằng, mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa nghìn năm văn hiến của cả nước mang đậm đà bản sắc dân tộc; là trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ; có giáo dục, đào tạo và y tế tiên tiến, hiện đại, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chiêu dụng hiền tài, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, là trung tâm giao lưu, phát triển các quan hệ quốc tế và hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Theo đó, cần xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu của người dân và hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả. “Hà Nội có thể chọn Singapore làm mô hình phát triển y tế của mình. Trong đó, thực hiện chiến lược xây dựng nền y tế hướng nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, thay cho chiến lược tập trung phát hiện và điều trị bệnh, xây dựng mạng lưới cơ sở y tế phù hợp với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân” - GS.TS.BS Tạ Thành Văn gợi ý.

Cần chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài

Góp ý về cơ chế chính sách phát triển hệ thống y tế, GS.TS.BS Tạ Thành Văn cho rằng, Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các bệnh viện, trường đại học y - dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Song song với đó, Hà Nội cần ban hành chính sách nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, chiến lược và có kế hoạch cụ thể để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế đặc thù của Thủ đô, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đào tạo nhân lực y tế tổng thể quốc gia. Đầu tư ngân sách của Hà Nội cho các trường đại học nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ theo cơ chế đặt hàng, phục vụ các mục tiêu của Thủ đô.

Ngoài ra, cần thiết lập mạng lưới cơ sở y tế thực hành cộng đồng trên địa bàn Thủ đô cho các cơ sở đào tạo nhân lực y tế Trung ương và Hà Nội nhằm thử nghiệm, triển khai, phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo chuẩn mực quốc tế ở ba khu vực: miền núi, đồng bằng và đô thị lõi.

Tăng cường năng lực tuyến y tế cơ sở theo hướng y học gia đình, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình khu vực công và tư, các bác sĩ gia đình – y tế cơ sở phụ trách việc xây dựng kế hoạch nâng cao sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho từng người dân theo khu vực, giải quyết 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Thủ đô.

Hà Nội cũng cần phải có các chính sách ưu đãi tuyển dụng, chi trả lương phù hợp, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại tuyến y tế cơ sở. Có chế độ đãi ngộ, quy định về khám, chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và đặc thù của Thủ đô. Cần có tư duy thống nhất đối với hệ thống y tế. Dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, chủ thể của xã hội, tạo nên sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Do vậy, cần có một chính sách công bằng cho sự phát triển của cả hai nhóm y tế này.

Về mặt hệ thống các cơ sở y tế, theo GS.TS.BS Tạ Thành Văn, Hà Nội cần có các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của ba lĩnh vực: bệnh viện trực thuộc Trung ương/trường đại học y - dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khỏe người dân Thủ đô. Cần chú trọng đến vai trò của y tế tư nhân với chính sách ưu đãi đặc thù trong việc thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô.

Đặc biệt, cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô. Cơ sở dữ liệu bao gồm: thông tin chung: Số lượng nhân viên y tế của từng khoa/phòng trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô; sự thay đổi và biến động hàng tháng; nhu cầu phát triển hàng năm; danh mục kỹ thuật chuyên môn đang và sẽ triển khai…