Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng ngay bộ công cụ để đánh giá việc thực hành tiết kiệm

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Tổng công ty Vận tải Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng bộ công cụ cụ thể để đánh giá cán bộ quản lý, NLĐ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí gắn với kết quả SXKD.

Chiều nay, 25/3, Đoàn giám sát của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai chủ trì đã tiến hành giám sát tại Tổng Công ty Vận tải Hà Nội về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn TP Hà Nội”.

Tham dự có các ĐB Quốc hội TP, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP và một số sở, ngành liên quan.

Các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu ý kiến tại cuộc giám sát
Các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu ý kiến tại cuộc giám sát

Thay mặt lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Nam cho hay, với vai trò đơn vị chủ lực của TP trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, dịch vụ bến bãi và điểm đỗ xe công cộng của Thủ đô, giai đoạn 2016-2020, Tổng công ty đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các chủ trương, quy định, kế hoạch của các cấp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định là nhiệm vụ thường xuyên, sống còn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Toàn Công ty mẹ và các công ty con luôn tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật về tài chính DN, quản lý đầu tư, đấu thầu, khai thác sử dụng hiệu quả các cơ sở đất đai trong hoạt động SXKD của DN; xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là giải pháp thường xuyên để tiết giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả SXKD.

Tổng công ty thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền Luật Thực hành tiết tiệm, chống lãng phí và các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước liên quan đến toàn thể cán bộ, người lao động (NLĐ) bằng nhiều hình thức, phù hợp thực tiễn triển khai. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, dù phải ngừng hoạt động kéo dài và sản lượng vận chuyển bị cắt giảm, doanh thu bán vé xe buýt không thể đạt so với kế hoạch tại hồ sơ mời thầu, Tổng công ty vẫn phát sinh, hạch toán đủ các khoản chi phí cố định như khấu hao, lãi vay, đất đai, bảo vệ an ninh an toàn, bảo quản tài sản, phương tiện, ứng trực triển khai các nhiệm vụ được giao, phát sinh chi phí tăng cường phòng chống dịch và duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường ngay sau giãn cách xã hội…

Tổng công ty đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp điều hành, tiết kiệm tối đa các khoản chi, tăng cường quản trị, đổi mới tái cơ cấu, vận dụng tối đa chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TP với các DN và NLĐ, thậm chí phải phải tạm hoãn hợp đồng với tất cả NLĐ trong thời gian giãn cách xã hội phải ngừng SXKD từ ngày 24/7/2021, chỉ duy trì chế độ trực với cán bộ chủ chốt và lao động tối thiểu để thực hiện điều hành giữ gìn ANTT, an toàn tài sản và các nhiệm vụ TP giao. Chế độ tiền lương giảm trên 70%, đến nay một số lĩnh vực vẫn duy trì chế độ lao động luân phiên 50%. Qua các đợt kiểm toán, Tổng công ty cơ bản không có vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực tài chính DN; các tồn tại theo kiến nghị đều được nghiêm túc chấp hành và được cơ quan kiểm toán kiểm tra, xác nhận.

Lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội tiếp thu các ý kiến, trao đổi tại cuộc giám sát
Lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Hà Nội tiếp thu các ý kiến, trao đổi tại cuộc giám sát

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng công ty chia sẻ, một số đơn giá, định mức hoạt động xe buýt được xây dựng từ nhiều năm trước, chưa cập nhật kịp thời biến động thị trường, nhiều khoản chi không có trong đơn giá định mức, trong khi nhiều định mức, đơn giá thời gian vừa qua phải cắt giảm theo chủ trương tiết giảm chung, khiến Tổng công ty gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện nâng cao chất lượng xe buýt bị ảnh hưởng. Tổng công ty rất mong các cơ quan quan tâm rà soát tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, các dự án xây dựng hạ tầng thường được quy hoạch phục vụ mục tiêu dài hạn, việc đầu tư xây dựng đồng bộ ngay từ đầu trong khi chưa khai thác hết có thể gây lãng phí. Vì vậy, Tổng công ty đề nghị các cơ quan nhà nước có chính sách cho phép khai thác tạm trong thời gian chưa khai thác hết công suất dự án để tránh lãng phí.

Trao đổi tại buổi làm việc, ý kiến từ các đại biểu trong Đoàn giám sát chia sẻ những khó khăn của Tổng công ty Vận tải Hà Nội trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời ghi nhận kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đây. Trong 5 năm qua, dù có những thời điểm khó khăn, không có doanh thu nhưng Tổng công ty vẫn có tăng trưởng, nộp ngân sách, có lợi nhuận, duy trì được bộ máy, bảo toàn vốn, đảm bảo đời sống cho 10.000 NLĐ trong toàn hệ thống, không có đơn thư. Chính nhờ tinh giản bộ máy, tối ưu hóa thời gian lao động…, đơn vị đã vượt qua được nhiều khó khăn do chịu tác động sâu của dịch bệnh Covid-19.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận cuộc giám sát
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết luận cuộc giám sát

Tuy nhiên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Tổng công ty sớm xây dựng được bộ công cụ để đánh giá các chỉ tiêu đạt được về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm căn cứ đánh giá cụ thể. Các thành viên Đoàn cũng còn băn khoăn về hiệu quả thực hiện các quy hoạch bến bãi đỗ xe tĩnh, đơn giá định mức cũng như tính kịp thời để tạo thuận lợi cho các đơn vị tổ chức thực hiện, sau các cuộc kiểm tra nội bộ đã rút ra được những vấn đề gì cần chấn chỉnh... Vì vậy, đề nghị Tổng công ty hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát, cụ thể hóa các lĩnh vực liên quan để tạo nên bức tranh toàn diện về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đơn vị.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP đề nghị Tổng công ty tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn thể CBCNV, NLĐ; ban hành ngay Chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí cho giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2022, xây dựng bộ công cụ cụ thể để đánh giá gắn với kết quả SXKD. Về công tác kiểm tra giám sát lĩnh vực này, đề nghị Tổng công ty thực hiện kiểm tra giám sát gắn với phong trào thi đua của cả giai đoạn, bổ sung các giải pháp thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Đồng thời, Sở Tài chính cần tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị trên địa bàn TP.