Thời gian qua, với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, Bộ N&PTNT đã xây dựng được hơn 3.450 ngôi nhà cho người dân vùng lũ tại 5 tỉnh miền Trung. Trong đợt mưa lũ kéo dài tháng 9 – 10/2020 vừa qua, nhà ở an toàn đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần giảm nhẹ hậu quả do thiên tai.
Mặc dù vậy, Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ NN&PTNT) Đoàn Tuyết Nga cho rằng, đối với người nghèo thì nhà ở an toàn trước thiên tai còn hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, có tình trạng hiện nay, nhiều nhà ở chống lũ chưa an toàn do kết cấu không bảo đảm hoặc do người dân chưa biết cách sử dụng.Ở khía cạnh liên quan, KTS Lã Thị Kim Ngân – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) bày tỏ quan điểm, nhà ở an toàn cho người dân vùng lũ không phải là câu chuyện mới. Các bộ, ngành, địa phương cũng như các tổ chức đã có sự quan tâm nhưng vẫn manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa có sự phối hợp đồng bộ, dẫn đến thiệt hại về nhà ở vẫn rất lớn.Nhấn mạnh câu chuyện nhà ở an toàn là rất quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng nhìn nhận còn nhiều vấn đề cần tìm lời giải. “Lựa chọn một nhà ở an toàn cho vùng lũ ở Việt Nam khác thế giới như thế nào? Ảnh hưởng từ các yếu tố cộng đồng, kinh tế ra sao? Đặc biệt, cách thức thực hiện để người dân vùng lũ tiếp cận được là yếu tố rất quan trọng” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá.Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam lựa chọn, giới thiệu một số mẫu nhà để các địa phương phổ biến đến người dân vùng lũ. Nghiên cứu lựa chọn mẫu nhà phù hợp. Đồng thời, thí điểm làng mang tính cộng đồng an toàn trước thiên tai, từ đó nhân rộng các mô hình nhà ở an toàn.Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, phát triển nhà ở an toàn là câu chuyện chủ yếu thuộc lĩnh vực của Bộ Xây dựng, tuy nhiên, Bộ NN&PTNT mong muốn, ở góc độ cơ chế của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, sẽ có vai trò phối hợp liên ngành để tạo ra các chương trình lớn và đồng bộ hơn; giống như Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu mà Chính phủ đã thông qua năm 2017.