Xây dựng nhà ở cho công nhân: Vẫn còn gặp khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những năm gần đây, TP Hà Nội đặc biệt chú trọng triển khai các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai nhà ở cho công nhân dù đã có chủ trương nhưng nhiều dự án vẫn còn gặp khó khăn, đặc biệt trong vấn đề vay vốn và GPMB.

Nhiều dự án được triển khai

Hiện TP có 4 dự án nhà ở cho công nhân đang được thi công xây dựng, với tổng số hơn 31.000 chỗ ở. Đến thời điểm này đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê được 7.758 chỗ. Đó là các dự án tại Kim Chung (huyện Đông Anh); tại Khu đô thị Kim Chung; Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) và dự án khu nhà ở cho công nhân Công ty Meiko.

Ngoài ra, UBND TP cũng đã chấp thuận chủ trương tiếp tục triển khai thêm 7 dự án nhà ở cho công nhân. Đó là các dự án tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn), dự án dành cho công nhân các công ty: Công ty TNHH Young Fast (Khu công nghiệp Thạch Thất - huyện Quốc Oai), Cụm công nghiệp Biên Giang (Hà Đông), Khu công nghiệp Quang Minh I và II (huyện Mê Linh), Cụm công nghiệp Từ Liêm và dự án nhà ở công nhân Công ty CP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Khu công nghiệp cao Hòa Lạc). Khi các dự án này đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được khoảng 46.000 chỗ ở cho công nhân lao động. Tuy nhiên, hiện các dự án trên chưa triển khai theo đúng tiến độ vì gặp phải một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể các dự án này đang trong quá trình điều chỉnh qui hoạch nhằm phù hợp với qui hoạch chung và nhu cầu thực tế của công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp.

Vướng giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Xuân Chính, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp & Chế xuất Hà Nội cho biết, trong quá trình triển khai, một số dự án nhà ở công nhân gặp khó khăn, đặc biệt trong khâu GPMB và vấn đề vay vốn đầu tư cho dự án. Để dẫn chứng, ông Chính đã chỉ ra một loạt các vướng mắc cụ thể: Trong khuôn viên khu đất dự án nhà ở công nhân tại Khu đô thị Kim Chung, có rất nhiều đất thổ cư và dân cư sinh sống, vì vậy công tác đền bù GPMB gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, do tình trạng sử dụng đất sai mục đích, vì vậy việc điều tra, xác minh nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng tới tiến độ GPMB. Việc cắm mốc, giải thửa, xác định diện tích đền bù mất nhiều thời gian, do đất nông nghiệp lâu ngày không canh tác bị ngập úng cục bộ, đồng thời các hộ dân đề nghị hỗ trợ một phần thiệt hại trong thời gian đất ngập úng không thể canh tác.

Để có mặt bằng khởi công xây dựng đối với dự án tại Khu đô thị Kim Chung, Ban Quản lý các Khu công nghiệp & Chế xuất Hà Nội kiến nghị UBND TP cho phép tách riêng phần đất nông nghiệp và phần đất công cho đền bù GPMB trước. Đối với dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện việc đấu nối hệ thống thoát nước trong khu nhà ở vào hệ thống thoát nước chung của TP. Sở GTVT và các cơ quan chức năng của huyện Đông Anh khảo sát, lên phương án lắp đặt hệ thống biển báo giao thông tại các tuyến đường nội bộ khu nhà ở.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở công nhân khác, Sở QH&KT cần tiếp tục hướng dẫn các chủ đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục lập và điều chỉnh qui hoạch đối với các dự án nhà ở công nhân tại: Khu nhà ở công nhân Mai Đình, Sóc Sơn, Khu công nghiệp Quang Minh I và II, khu nhà ở công nhân Cụm công nghiệp Biên Giang… trình UBND TP phê duyệt.
 
Theo tính toán có tham khảo ý kiến của các sở, ngành, nếu được TP hỗ trợ một số cơ chế chính sách thì giá thuê nhà ở công nhân sẽ là 170.000 đồng/người/tháng. Đây cũng là giá thuê tối thiểu và cũng có thể áp dụng cho giá thuê nhà tại các khu ký túc xá sinh viên tập trung.
                                                                                          Bà Tô Thị Hạnh 

                                                     
Tổng Giám đốc Quĩ Đầu tư  Phát triển TP. Hà Nội