Xây dựng nhà ở thu nhập thấp: Càng làm, càng thấy khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội là địa phương tích cực, chủ động trong việc đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp (TNT). Tuy nhiên, qua triển khai cho thấy, để đưa một chủ trương đúng đắn vào cuộc sống còn phải tháo gỡ.

Ưu đãi… “quả chưa chín”

Xây dựng nhà ở TNT là một chủ trương lớn và có nhiều quy định ưu đãi, nhằm thu hút nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp. Nhưng những bài học kinh nghiệm thực tế thời gian qua đã khiến doanh nghiệp ngại ngần với phân khúc này. Một doanh nghiệp ngành xây dựng cho biết, thị trường bất động sản đóng băng kéo dài nên các doanh nghiệp rất thiếu việc. Dù chỉ là những dự án nhỏ, lợi nhuận không đáng kể, doanh nghiệp cũng sẵn sàng làm với mong muốn duy trì và tạo việc làm cho người lao động. Thế nhưng, với cơ chế thực hiện như hiện nay, không mấy doanh nghiệp "dám" tính đến việc tham gia xây dựng nhà TNT.

Theo báo cáo mới nhất của Hà Nội gửi Bộ Xây dựng về tình hình triển khai thực hiện dự án đầu xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân khu công nghiệp và người có thu nhập thấp trên địa bàn, có thể nói những ưu đãi dành cho doanh nghiệp mới chỉ như… "quả còn xanh". Theo Quyết định 67/2009/QĐ-TTG, chủ đầu tư được áp dụng thuế giá trị gia tăng VAT bằng 0, được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Đầu tư phát triển. Nhưng đến nay, các chính sách này đều chưa được áp dụng. Duy nhất có dự án Đặng Xá (huyện Gia Lâm) được vay của Ngân hàng Đầu tư phát triển, song tiến độ giải ngân rất chậm. Ưu đãi mà các dự án đều được hưởng mới chỉ là miễn tiền sử dụng đất. Đây là một nguyên nhân căn bản khiến giá thành của nhà TNT không thấp hơn là mấy so với nhà thương mại. Một nghịch lý không thể giải, là việc các doanh nghiệp muốn vay phải có tài sản thế chấp, trong khi đó, xây dựng nhà cho người TNT được miễn tiền đất nên không thể lấy đất làm tài sản thế chấp.

Trong việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp ở Hà Nội cũng có nhiều quy định còn chưa đi vào cuộc sống. Mặc dù theo Nghị quyết 18/NQ-CP và Quyết định 66/2009/QĐ-TTg đã xác định một số chính sách ưu đãi về đất đai, chính sách về thuế, ưu đãi tín dụng, cho phép doanh nghiệp xây dựng nhà cho công nhân thuê được tính chi phí nhà ở là chi phí hợp lý (tính vào giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam hầu như không có. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về tình hình chung trên cả nước cũngd cho thấy, trên cả nước, mới có duy nhất một dự án xây dựng nhà cho công nhân khu công nghiệp được Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn ưu đãi.

Xây dựng nhà ở thu nhập thấp: Càng làm, càng thấy khó - Ảnh 1

Nhà ở xã hội tại Ngô Thị Nhậm, quận Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt

Khó mua, khó xây

Cùng với sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của doanh nghiệp, đối tượng mua nhà cũng rất khó khăn trong vấn đề này bởi chưa có quy định, cơ chế cụ thể trong việc vay vốn mua nhà TNT. Bên cạnh đó, trong quy định về đối tượng chỉ có những người có hộ khẩu nội thành mới được xét mua cũng là một vấn đề bất hợp lý đối với các thành phố lớn có cả huyện, xã như Hà Nội.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng đã bị "phê" về việc phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, kết luận nêu rõ, hiện có nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp xây vượt quá quy định giới hạn 6 tầng, vi phạm Luật Nhà ở (theo Khoản a và b, Mục 1, Điều 47, Luật Nhà ở). Kết luận thanh tra cũng chỉ ra 2 dự án đã đi vào sử dụng là dự án Ngô Thì Nhậm, Hà Đông (Hà Nội) và dự án Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng) đã vi phạm giới hạn chiều cao theo Luật Nhà ở.

Vậy là có sự "khập khiễng" giữa các văn bản luật trong điều chỉnh cùng một vấn đề. Luật Nhà ở có giới hạn chiều cao, nhưng Nghị Định 71 của Chính phủ, ban hành năm 2010 lại không giới hạn số tầng của nhà ở xã hội nhằm tránh tình trạng lãng phí đất tại một số đô thị. Trước đó, năm 2009, Bộ Xây dựng cũng ban hành Thông tư 14/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 hướng dẫn áp dụng thiết kế nhà ở xã hội, trong đó không khống chế số tầng. Cụ thể, tại Điều 3 của Thông tư, Bộ Xây dựng cho phép nhà ở xã hội được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần so với quy chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành.

 

Cũng bởi chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, công nghệ, quy mô tòa nhà đối với nhà ở cho người TNT (ngoại trừ quy định căn hộ không quá 70m2) nên mỗi doanh nghiệp đầu tư với mức độ khác nhau dẫn tới giá bán khác nhau.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn Phó Giám đốc Sở Xây dựng 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần