Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nhà văn hóa thôn tại Mê Linh: Tiêu chí không dễ thực hiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với TP, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Mê Linh đang trở thành phong trào rộng khắp, góp phần thay đổi diện mạo đời sống người nông dân nơi đây.

Nhà văn hóa thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm đang xuống cấp nghiêm trọng. 	Ảnh: Lâm Nguyễn
Nhà văn hóa thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Lâm Nguyễn
Dù vậy, huyện cũng đang đối diện với không ít khó khăn, trong đó có tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, cụ thể là nhà văn hóa thôn (NVH).

Vừa thiếu, vừa xuống cấp

Là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội mạnh, xã Tráng Việt đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM. Vì thế, diện mạo nông thôn đổi thay tích cực. Đặc biệt, những tiêu chí được xem là khó hoàn thành như thu nhập hay tỷ lệ hộ nghèo đều đã sớm cán đích. Tuy nhiên, một trong 4 tiêu chí mà xã đang loay hoay thực hiện là cơ sở vật chất văn hóa (NVH), thì không biết đến khi nào mới hoàn thành. Toàn xã có 4 thôn, hiện hai thôn Đông Cao và Tráng Việt đã có NVH, tuy nhiên, cả hai đều… chưa đạt chuẩn. Dù vậy, nếu đem so sánh với hai thôn còn lại là Đẹp Thôn và Thụy An thì hai thôn nêu trên còn may mắn hơn nhiều, bởi tại hai thôn ven bờ tả sông Hồng này còn chưa có NVH! Ông Nguyễn Văn Vượng – Trưởng thôn Thụy An cho biết, mỗi khi có kỳ cuộc quan trọng, người dân lại kéo tới nhà ông hoặc nhờ NVH của hai thôn bên (Đông Cao, Tráng Việt) để tổ chức. 

Không chỉ ở Tráng Việt, tình trạng thiếu cơ sở vật chất văn hóa, trong đó có NVH thôn đang diễn ra khá phổ biến tại huyện Mê Linh. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, hiện mới chỉ có 3/16 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 13 xã còn lại đều thiếu một hoặc nhiều NVH tại các thôn. Bên cạnh việc thiếu hụt trầm trọng về số lượng, nhiều NVH thôn thuộc các xã đang rơi vào tình trạng xuống cấp ngày một nghiêm trọng do được xây dựng từ lâu. Điển hình, NVH thôn Phú Nhi (xã Thanh Lâm) được xây dựng từ năm 1936. Ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, hầu hết hạng mục của NVH này đã cũ, mốc vì thời gian. Điều này khiến người dân trong thôn rất lo lắng mỗi khi tổ chức hội họp tại NVH, nhất là vào những ngày trời có mưa gió. Bên cạnh đó, nhiều NVH thôn trên địa bàn huyện cũng chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu  của người dân.

Từng bước khắc phục

Bên cạnh phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện vật chất cho người dân, đời sống văn hóa, tinh thần được xem là yếu tố hết sức quan trọng. Nhận thức được điều này, thời gian qua, lãnh đạo huyện Mê Linh đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt, từng bước tháo gỡ khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh chia sẻ, có hai nguyên nhân chính khiến tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (cụ thể là NVH thôn) của huyện chưa thể hoàn thành. Thứ nhất, đó là khó khăn về vị trí xây dựng. Cụ thể, quỹ đất ban đầu dự kiến xây dựng NVH thôn tại hầu hết các xã đều là đất quỹ 1 (đất đã giao cho người dân sử dụng, muốn thu hồi phải tiến hành đền bù, GPMB). Tuy nhiên, lý do thứ hai quan trọng hơn là do thiếu vốn. Hiện, để xây dựng một NVH thôn, cần khoảng 2,5 – 3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này trước nay chủ yếu được bố trí từ nguồn đấu giá đất xen kẹt; việc huy động đóng góp của người dân, các tổ chức, DN trong xây dựng NVH thôn đang rất khó khăn do ảnh hưởng kinh tế suy thoái. 

Nhằm tháo gỡ hai bài toán này, huyện Mê Linh đã có văn bản yêu cầu các xã xây dựng kế hoạch điều chỉnh quy hoạch đất phục vụ xây dựng NVH thôn sang đất quỹ 2 (do UBND xã quản lý). Không chỉ giải quyết vấn đề địa điểm xây dựng, điều này còn giúp tiết giảm tối đa thời gian, ngân sách do không phải bố trí kinh phí đền bù, GPMB. Bên cạnh đó, huyện đang sử dụng linh hoạt nguồn vốn ngân sách, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc đấu giá đất xen kẹt nhằm huy động kinh phí, phân bổ cho việc hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa nói riêng, các tiêu chí xây dựng NTM khác nói chung. Dù vậy, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà thừa nhận, công tác này hiện rất khó khăn, do nhu cầu về đất dịch vụ của DN, người dân từ cuối năm 2014 đến nay rất thấp.