Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho người sản xuất về kỹ năng liên kết nhóm, nắm bắt thị trường, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

Qua đó, từng bước nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân Thủ đô tự tin hội nhập.

Yêu cầu cấp thiết

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đã có những bước phát triển rõ nét, tạo dựng cho thị trường nông sản Thủ đô một “bức tranh” đa sắc màu với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn… Tuy nhiên, nhiều sản phẩm vẫn chưa xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu. Hơn nữa, sản xuất còn mang tính tự phát, chạy theo phong trào, chưa có sự liên kết chặt chẽ nên chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, đầu ra thiếu ổn định và tính cạnh tranh thấp.
Học viên tham gia tập huấn, tham quan cơ sở sản xuất rau quả Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
Học viên tham gia tập huấn, tham quan cơ sở sản xuất rau quả Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
Nắm bắt được thực trạng trên, năm 2016, Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các huyện tổ chức 5 lớp tập huấn về “Tăng cường kỹ năng liên kết nhóm, nắm bắt thị trường, xây dựng nhãn hiệu và tạo dựng thương hiệu sản phẩm” cho trên 250 lượt nông dân tham gia. Học viên các lớp tập huấn là hội viên Hội Nông dân xã Thanh Xuân (Sóc Sơn), Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, Hội Nông dân xã Cát Quế (Hoài Đức), HTX Nông nghiệp Thanh Văn (Thanh Oai), các hộ nông dân xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ).

Liên kết bền vững

Thông qua những bài giảng thực tế, gần gũi, gắn liền với nông nghiệp, người nông dân đã hiểu được tầm quan trọng của việc liên kết nhóm hộ trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Cùng với đó là kỹ năng nắm bắt và sản xuất theo nhu cầu thị trường, từng bước hình thành các vùng chuyên canh tập trung, đảm bảo VSATTP, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Cũng qua tập huấn, người sản xuất hiểu được sự cần thiết phải xây dựng nhãn hiệu, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm để tạo chỗ đứng riêng, vững chắc trên thị trường.

Nhằm cụ thể hóa các bài giảng, sau mỗi khóa tập huấn, Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức cho các học viên đi tham quan thực tế các mô hình tiêu biểu, các hệ thống phân phối nông sản đi đầu trong công tác liên kết chuỗi giá trị chặt chẽ, bền vững. Đơn cử như cơ sở sản xuất rau, quả Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) theo tiêu chuẩn VietGAP với hệ thống tưới tiêu tự động và hệ thống cảm biến mưa. Hay mô hình trồng bưởi thấp tán cho hiệu quả kinh tế cao của Viện Nghiên cứu rau quả (Trâu Quỳ, Gia Lâm). Ngoài các cơ sở sản xuất tiêu biểu trên địa bàn TP, các hộ tham gia tập huấn còn được đi thăm những mô hình điển hình của địa phương khác như Công ty TNHH Sơn Trại sạch (xã Bản Gián, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) với công nghệ máy móc sơ chế hiện đại trong giết mổ gia cầm…

Ông Nguyễn Như Hảo – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế, huyện Hoài Đức đánh giá, qua lớp tập huấn đã từng bước nâng cao kiến thức, giúp các học viên nắm bắt được kỹ năng liên kết nhóm, tiếp cận thị trường, tạo dựng nhãn hiệu sản phẩm. Từ đó tiến tới đưa sản phẩm ra thị trường tốt nhất, nâng cao giá trị kinh tế. “Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn và tham quan thực tế để bà con có thêm kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hàng năm, Trung tâm hỗ trợ cho các tổ chức hội, HTX nông nghiệp tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm” – ông Hảo đề nghị.