Xây dựng nông thôn mới nâng cao: Hà Nội giữ vững vị thế lá cờ đầu

Trọng Tùng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi hoàn thành mục tiêu đưa 100% số xã về đích nông thôn mới (NTM), Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiến lên xây dựng NTM nâng cao. Kết quả đạt được đến nay là rất tích cực.

Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, phóng viên Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí xung quanh nhiệm vụ xây dựng NTM.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí
Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí

Xây dựng những miền quê đáng sống

Xin ông cho biết kết quả xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao của Hà Nội cho đến nay?

- Sau khi Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 521/VPCP-NN về việc ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4212/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 về Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở Bộ tiêu chí của T.Ư, TP Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 về Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu TP Hà Nội để chỉ đạo tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Kết quả đến nay, toàn TP đã có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thời gian qua, đoàn thẩm định NTM nâng cao của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao tại nhiều xã. Đánh giá cho thấy, sự vào cuộc của các cấp chính quyền và Nhân dân là rất tích cực. Nhiều địa phương đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ gửi UBND TP Hà Nội xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022.

Theo ông đánh giá, điều gì đã giúp mang lại những kết quả tích cực trong xây dựng NTM nâng cao thời gian qua của TP Hà Nội?

- Kết quả trên có được trước tiên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở các chương trình và kế hoạch của Thành ủy - UBND TP Hà Nội, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành của TP đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch của ngành để tổ chức thực hiện. UBND các huyện, thị xã cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên phụ trách theo địa bàn, tiêu chí trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được các cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện thông qua nhiều hình thức. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động. Đặc biệt, với sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp Nhân dân, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM từ năm 2021 đến nay của Hà Nội ước đạt hơn 40.651 tỷ đồng.

Với tinh thần sẻ chia, các quận nội thành cũng đã chung tay hỗ trợ các huyện khó khăn đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, với tổng kinh phí gần 415 tỷ đồng. Đây là trợ lực quan trọng để nhiều địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao.

NTM nâng cao của Hà Nội đã tạo nên những thay đổi đáng kể nào trong diện mạo nông thôn và đời sống của người nông dân, thưa ông?

- Với 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Hà Nội được T.Ư đánh giá là “lá cờ đầu” của cả nước trong xây dựng NTM. Việc hoàn thiện tiêu chí NTM nâng cao tại nhiều xã đã góp phần đưa vùng ngoại thành Hà Nội trở thành những miền quê đáng sống. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại. Ở đó, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy.

Đặc biệt, đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đã đạt trên 54 triệu đồng/người/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân tính theo đầu người dân cao như: Đan Phượng 66 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 65 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 64 triệu đồng/người/năm… Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang.

Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều tiến bộ. Đến nay, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội đạt 91,5%. 75,15% hộ gia đình có sử dụng ít nhất một điện thoại thông minh; 98% các thôn phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng...

Đường giao thông nông thôn tại xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì). Ảnh: Lâm Nguyễn
Đường giao thông nông thôn tại xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì). Ảnh: Lâm Nguyễn

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Dù đã đạt được những kết quả rất tích cực, tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, công tác xây dựng NTM nâng cao của Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế chính sách, thưa ông?

- Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 gồm 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu. Ngoài việc có 3 tiêu chí mới (Hành chính công, tiếp cận pháp luật, chất lượng môi trường sống), nhiều chỉ tiêu, tiêu chí cũng yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Đây sẽ là thách thức cho các địa phương trong nỗ lực đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nguồn vốn hỗ trợ cho các xã xây dựng NTM nâng cao của Hà Nội cũng còn hạn chế. Hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của người dân bị giảm sút nên việc huy động đóng góp về vật chất của người dân cho xây dựng NTM nâng cao trở nên rất khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, nhất là các chính sách về tích tụ đất đai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, mở rộng quy mô trang trại, hay ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...

Trong năm 2023, Hà Nội sẽ triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, tiếp tục giữ vững vị thế lá cờ đầu của cả nước?

- Thời gian tới, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội sẽ tham mưu Thành ủy - UBND TP lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với mục tiêu xây dựng NTM nâng cao. Kịp thời phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông, nhằm động viên, khích lệ, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân.

Hà Nội cũng sẽ tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, trong đó, chú trọng đầu tư nguồn lực cho các chỉ tiêu về trường học, nước sạch, y tế. Đồng thời thường xuyên giám sát, định kỳ tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao tại các đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Về cơ chế, chính sách đối với xây dựng NTM theo ông cần sửa đổi, hoàn thiện như thế nào?

- Thời gian tới, Hà Nội mong muốn Bộ TN&MT nghiên cứu tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay. Đồng thời, có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cho người dân được giao đất, thuê đất nhằm tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung...

Hà Nội cũng đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành T.Ư tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chỉ giới phân lũ thuộc lưu vực các sông chảy qua địa bàn Hà Nội phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các xã, thôn ven sông trong xây dựng NTM nâng cao. Cùng với đó, sớm ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 để các tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội) có cơ sở tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định.

Xin xảm ơn ông!

 

Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn Hà Nội dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn là 92.680 tỷ đồng, trong đó, có 71.830 tỷ đồng đầu tư trực tiếp cho Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy gồm: Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 62.850 tỷ đồng (chiếm 87,5%); nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước (DN, Nhân dân đóng góp…) là 8.980 tỷ đồng (chiếm 12,5%).