Xây dựng nông thôn mới: Sóc Sơn nỗ lực về đích sớm

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Thông báo kết luận số 229, huyện Sóc Sơn đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Trợ lực từ vốn xã hội hóa

Nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được huyện Sóc Sơn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Bằng việc đa dạng các nguồn lực xã hội, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã cải tạo, nâng cấp được trên 72km đường trục xã, thôn, 192km đường giao thông ngõ xóm, cùng 37 công trình thủy lợi và 67km kênh mương nội đồng. Thời gian qua, Công ty Điện lực huyện Sóc Sơn cũng đã xây dựng 25 trạm biến áp và sửa chữa 165km đường dây điện, bảo đảm 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới.
 Mô hình canh tác hoa nhài mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn.
Thiết chế văn hóa không ngừng được nâng cao. 27 nhà văn hóa được xây dựng tại các thôn xóm, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Cùng với 9 trường học được đưa vào sử dụng trong hơn hai năm qua, huyện đang tiếp tục triển khai 23 dự án trường học tại 9 xã. Dự kiến trong năm 2018, sẽ có thêm 8 trường đạt chuẩn Quốc gia. Đến nay, hệ thống thông tin liên lạc, internet đã được phủ sóng toàn huyện. Trên địa bàn huyện đến nay không còn tình trạng nhà ở dột nát…

Những chuyển biến mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng nêu trên có được là nhờ nguồn lực đầu tư rất lớn. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Thu Trang, từ 2016 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương là trên 1.312 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó, có tới trên 392 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hóa từ đóng góp của các tổ chức, DN, người dân…

Tiếp tục nâng cao đời sống người dân

Trên cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp ngày một đồng bộ, huyện Sóc Sơn tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đa dạng hóa các loại hình kinh tế nhằm nâng cao đời sống cho người nông dân.

Trên cơ sở thành công của dồn điền đổi thửa, địa phương đã hình thành nhiều vùng nông nghiệp tập trung cho giá trị kinh tế cao như: Chè an toàn và VietGAP 200ha, bưởi 250ha, hoa nhài 148ha, rau an toàn 330ha, rau hữu cơ 40ha… Giá trị sản xuất trên 1 hécta canh tác hiện đã đạt trên 161 triệu đồng, nhiều vùng sản xuất cho giá trị từ 350 triệu đồng tới 1 tỷ đồng/ha. Toàn huyện cũng đã xây dựng và đang phát triển ổn định 1.230 trang trại, gia trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tổng đàn gia súc, gia cầm được giữ ổn định và tăng trường khá. Huyện cũng đã xây dựng 7 mô hình nông nghiệp công nghệ cao và 9 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đồng thời, duy trì và phát triển 8 thương hiệu nông sản. Nhờ đa dạng hóa các loại hình sản xuất, thu nhập bình quân của người nông dân trên địa bàn huyện đến nay đã đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 2,7%.

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, đối với mục tiêu về đích nông thôn mới sớm trước kế hoạch một năm, tiêu chí hạ tầng sẽ là thách thức lớn đối với địa phương. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung nội dung này, nhất là đối với hai tiêu chí thủy lợi và trường học, trong đó, ưu tiên các xã định hướng về đích, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm hiệu quả. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cũng nhấn mạnh: Nâng cao đời sống cho người nông dân là nhiệm vụ xuyên suốt, cũng là điều kiện đủ để địa phương về đích nông thôn mới vào năm 2019. Do đó, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình nông nghiệp chuyên canh tập trung. Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản địa phương nhằm nâng cao giá trị, cũng như sức cạnh tranh trên thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần