Xây dựng nông thôn mới: Tránh vết xe “đầu voi, đuôi chuột”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của T.Ư, đã và đang được các tỉnh, TP trong đó có Hà Nội tổ chức triển khai nghiêm túc. Dù vậy, câu chuyện “đầu voi, đuôi chuột” là vấn đề đặt ra đối với không riêng địa phương nào trong quá trình thực hiện.

Tuyến đường nông thôn mới tại huyện Đan Phượng
Ngay từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phát động sâu rộng trên khắp cả nước hơn 10 năm trước, Hà Nội đã rất quan tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể cho nhiệm vụ này. Tính riêng trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 7/2020, tổng kinh phí huy động cho xây dựng nông thôn mới của Hà Nội lên tới 56.513 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực từ T.Ư, TP bố trí, các huyện, thị xã cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia đóng góp khoảng 4.813 tỷ đồng cho chương trình.
Đến nay, toàn TP đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 355/382 xã (chiếm 92,9% tổng số xã) về đích nông thôn mới và 13 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp ngày một đồng bộ, thúc đẩy phát triển của nông nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống cho người nông dân. Hà Nội cũng trở thành một trong những “lá cờ đầu” trong xây dựng nông thôn mới của cả nước…
Vui mừng trước những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nhưng rõ ràng Hà Nội không thể chủ quan, lơ là. Mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng đã lên tiếng nhắc nhở các địa phương tránh để xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, làm không đến nơi đến chốn, gây lãng phí nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Lời nhắc nhớ trên của lãnh đạo TP là cần thiết và kịp thời, bởi thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, đối với một số tiêu chí nông thôn mới đã đạt, nhưng kết quả chưa thực sự bền vững, đặc biệt là sự xuống cấp nhanh của cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất. Sự phù hợp về quy mô đầu tư xây dựng cũng như hiệu quả sử dụng cũng là câu hỏi đặt ra đối với không ít công trình tại cá biệt một số thôn, xã trên địa bàn Hà Nội…
Lãng phí bất cứ nguồn lực nào cũng là có lỗi với nền kinh tế - xã hội nói chung; hay nói cách khác, đó là việc làm có lỗi với người dân - đối tượng thụ hưởng chủ yếu của các chính sách đầu tư phát triển. Cũng bởi vậy, nhiệm vụ đặt ra là cần tiếp tục đa dạng hóa tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới; hướng tới xây dựng nông thôn mới bảo đảm chất lượng và bền vững.
Cùng với việc triển khai nghiêm túc, các sở ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại cơ sở; thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả sau đầu tư bảo đảm công khai, minh bạch, nhất là đối với hạ tầng cơ sở, công trình phúc lợi xã hội. Từ đó, kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Có như vậy, Hà Nội mới mong tránh được vết xe “đầu voi, đuôi chuột” trong xây dựng nông thôn mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần