Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng pháp lý cho kinh doanh bất động sản bằng công nghệ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đã làm đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ trong bán hàng của doanh nghiệp (DN) nói chung và DN bất động sản (BĐS) nói riêng. Nhưng từ đó cũng đặt ra vấn đề pháp lý cho phương thức này.

Ứng phó linh hoạt

Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam Dennis Ng Tech Yow cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nên DN đã phải chủ động thay đổi phương thức bán hàng dựa trên những nền tảng ứng dụng công nghệ số. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu tăng cường hoạt động truyền thông, trải nghiệm và chăm sóc khách hàng, bán nhà online cũng phản ánh cuộc đua số hóa mà DN BĐS tạo ra trong thời gian dịch bệnh.

Thanh toán trực tuyến đang được nhiều DN sử dụng trong giao dịch BĐS (Ảnh minh họa).
Thanh toán trực tuyến đang được nhiều DN sử dụng trong giao dịch BĐS (Ảnh minh họa).

“Nếu như trước kia, muốn mua căn hộ thông thường khách hàng sẽ tìm kiếm thông tin trên thị trường từ chủ đầu tư, tiến độ dự án, sau đó “mục sở thị” tận nơi từng căn hộ. Nhưng giờ đây qua trang giao dịch trực tuyến chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng, máy tính bàn, laptop, khách hàng có thể thực hiện giao dịch 24/7 ở khắp mọi nơi một cách chủ động, thuận tiện và dễ dàng. Ứng dụng công nghệ trong bán hàng giúp gia tăng dịch vụ khách hàng, thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ và tăng cường hiệu suất kinh doanh rõ rệt của DN” – ông Dennis Ng Tech Yow cho hay. 

 

Cần xây dựng thêm các điều khoản pháp lý để áp dụng với những khoản giao dịch tài chính thông qua dịch vụ phi ngân hàng nhằm giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra. Thanh toán trực tuyến trong BĐS là xu hướng không thể bỏ qua, cần được quan tâm và tạo hành lang pháp lý để khai thác những tiềm năng của lĩnh vực này - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà.

Theo đánh giá, cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra nhiều công cụ thuận tiện cho DN mọi lĩnh vực, đại dịch Covid-19 xuất hiện làm tiến trình ứng dụng số hóa vào kinh doanh bán hàng của DN diễn ra nhanh hơn. Các DN cũng có sự điều chỉnh nhanh chóng với sự thay đổi trong hành vi khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh. “Stay home – Buy home” được ví như là một làn sóng sẽ sắp xếp lại cách thức hoạt động truyền thống trong hàng trăm năm qua của ngành BĐS, làm thay đổi phương thức mua bán nhà, cũng như phương thức quản trị doanh nghiệp của các công ty BĐS. 

“Chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS ở Việt Nam đã có sự thay đổi linh hoạt trong việc ứng phó với dịch bệnh. Tất cả các bước trong quy trình bán hàng từ khai phá dữ liệu khách hàng → truyền thông, marketing → khuyến mại, giảm giá → bán hàng, chốt hợp đồng... đều thông qua hình thức online (hay còn được gọi là thương mại điện tử - PV). Những sự kiện trực tuyến ngày càng nở rộ, cùng với đó là ứng dụng công nghệ trong sản xuất video marketing, người dùng có thể trải nghiệm với vài cú click chuột hoặc chạm màn hình” – Phó Tổng Giám đốc batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.

Cần quy định pháp lý rõ ràng

Anh Lê Duy Hưng, trú tại khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, trong thời gian giãn cách đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, anh có chốt hợp đồng sản phẩm của một dự án tại khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) bằng hình thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. “Qua trải nghiệm thực tế tôi thấy việc ứng dụng công nghệ vào thanh toán giao dịch BĐS rất tiện lợi, nhanh gọn và tiết kiệm được thời gian, đặc biệt vào thời điểm phải giãn cách xã hội những giao dịch được thực hiện như vậy còn đảm bảo an toàn sức khỏe, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho khách hàng” – anh Lê Duy Hưng nói.

 

Khi một sản phẩm công nghệ đầu tư mới xuất hiện thì cơ quan chức năng sẽ đặt ra vấn đề pháp lý đầu tiên nhằm tối ưu hóa lợi ích công nghệ nhưng giảm thiểu rủi ro. Quan trọng là khi nó ra đời, việc kiểm soát và xử lý khi có sự cố rủi ro ra sao, nhất là vấn đề về trốn thuế, né thuế, rửa tiền… - GS. TS Trần Ngọc Thơ, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.

Theo đánh giá, BĐS là tài sản giá trị lớn, kênh đầu tư thu hút nhiều người quan tâm, nhưng không phải ai cũng có thể tham gia đầu tư. Do vậy, việc phân tách giá trị BĐS thành những “miếng nhỏ” thông qua ứng dụng bán hàng công nghệ để thu hút nhà đầu tư tham gia được nhiều chủ đầu tư đặc biệt quan tâm và huy động vốn vào dự án BĐS thông qua công nghệ số là mô hình kinh doanh sáng tạo trong giai đoạn hiện nay, giúp giảm thiểu chi phí, thủ tục hành chính để chuyển giao quyền sở hữu BĐS. Nhưng thách thức của mô hình này là tính pháp lý khi chưa có quy định về xử lý tranh chấp, kiểm soát rủi ro về trốn thuế, rửa tiền...

“Việt Nam hoàn toàn chưa có bất kỳ quy định pháp lý nào cho công tác gọi vốn cho các dự án BĐS bằng các ứng dụng công nghệ như: chuỗi khối (blockchain) hay gọi vốn cộng đồng (crowd-funding). Trong khi đó, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực tài chính (Fintech), cụ thể là BĐS (Proptech) với hình thức đầu tư BĐS Blockchain đang rất được quan tâm” - TS. Đinh Thị Thu Hồng - Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Dự báo những giao dịch BĐS truyền thống sẽ được thay bằng nền tảng công nghệ trực tuyến.
Dự báo những giao dịch BĐS truyền thống sẽ được thay bằng nền tảng công nghệ trực tuyến.

Theo đánh giá, hình thức giao dịch bằng công nghệ sẽ giúp cho nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc mua một sản phẩm BĐS, đây cũng là một kênh hữu ích để chủ đầu tư huy động vốn từ cộng đồng tồn tại dưới dạng quỹ đầu tư hoặc nền tảng công nghệ để chủ đầu tư BĐS và nhà đầu tư bên ngoài trực tiếp liên kết với nhau. Nhưng ngược lại, mô hình này được số hóa mạnh trở thành thách thức lớn cho cơ quan quản lý về thuế, bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro ngày một tinh vi.

Với những gì đã xảy ra với Uber, Grab khi tham gia thị trường vận tải ở Việt Nam, đã cho thấy nhiều bài học kinh nghiệp đối với hoạt động tài chính BĐS khi sử dụng công nghệ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Việc thanh toán giao dịch BĐS nền tảng công nghệ dự báo sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam trong khoảng 3 – 5 năm nữa, do vậy cấp thiết cần phải xây dựng một hệ thống luật quy định rõ ràng về cách thức thanh toán trực tuyến thông qua giao dịch thương mại điện tử nhằm hạn chế tối đa việc cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.