70 năm giải phóng Thủ đô

Xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mỗi năm trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ, làm hàng chục người chết và bị thương, thiệt hại về kinh tế hàng chục tỷ đồng. Vấn đề kiềm chế những vụ cháy nổ đang trở nên cấp bách đối với lực lượng chức năng về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong giai đoạn hiện nay.

 Mỗi năm Hà Nội thiệt hại hơn 51 tỷ đồng do cháy
 
Theo số liệu thống kê, trong hơn 10 năm qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra 2.605 vụ cháy, nổ, làm chết 97 người và 164 người bị thương. Thiệt hại vật chất ước tính hơn 502 tỷ đồng.
 
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 157 vụ cháy và 2 vụ nổ làm 6 người chết, 24 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 41 tỷ đồng. Tuy nhiên, những thiệt hại trên mới chỉ là thiệt hại trực tiếp từ những vụ cháy nổ gây ra.
 
Hậu quả gián tiếp từ những vụ cháy nổ là thiệt hại do việc ngừng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, ô nhiễm môi trường, thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến an ninh và trật tự an toàn xã hội...Diện tích rộng lớn, địa hình đa dạng đan xen giữa đồng bằng, miền núi và vùng bán sơn địa, Hà Nội hiện có khoảng 70.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, 1.595 tổ chức kinh tế khác hoạt động dưới hình thức HTX, làng nghề, khu công nghiệp, khu chế xuất... là khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn nhanh cũng đặt ra những vấn đề, thách thức mới liên quan đến công tác PCCC.
 
 
Xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy - Ảnh 1
 

Một buổi luyện tập PCCC của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội.

 Bên cạnh đó là sự gia tăng dân số, các phương tiện giao thông, diễn biến phức tạp của các loại tội phạm với nhiều phương thức, thủ đoạn mới... có tác động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nói chung và công tác PCCC nói riêng. Sau 10 năm thi hành Luật PCCC (2001- 2012) đã bộc lộ nhiều vấn đề cần khắc phục của cơ sở hạ tầng. Đó là việc nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới nơi tập trung đông dân cư chưa có địa điểm để thành lập đơn vị Cảnh sát PCCC.

 
Mạng lưới các đơn vị Cảnh sát PCCC phát triển còn chậm, chưa bắt kịp tốc độ phát triển của TP. Với 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, đến nay, Hà Nội mới có 14 đội Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp. Tính trung bình, mỗi đơn vị phải quản lý chữa cháy từ 2 đến 3 địa phương, trong đó có địa bàn cách xa đơn vị chữa cháy tới 70 km. Khó khăn về tình trạng ách tắc giao thông, nhất là khu vực nội đô, đã cản trở công tác cứu nạn, cứu hộ không đảm bảo tính kịp thời. Nguồn nước phục vụ chữa cháy còn thiếu. Nếu tính theo Quy chuẩn xây dựng thì toàn TP hiện còn thiếu hơn 7.000 trụ nước chữa cháy.
 
Chất lượng trang thiết bị PCCC cũng không đảm bảo. Trong số 61 xe chữa cháy chuyên dụng chỉ có 14 xe chất lượng còn tốt là điều đáng lo ngại. Thực tế hiện nay còn thiếu nhiều xe chữa cháy, nhất là các phương tiện đặc chủng để chữa các đám cháy lớn, nhà cao tầng, các cơ sở xăng dầu, hóa chất, khí đốt... Do đó, công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô đặt ra hết sức quan trọng và cấp thiết, nhất là công tác PCCC tại chỗ.

Nhiệm vụ PCCC trong giai đoạn hiện nay
 
Để đáp ứng yêu cầu về PCCC, bảo vệ thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc đề xuất Chính phủ, Bộ Công an  đầu tư kinh phí, phương tiện chuyên dùng hiện đại cho lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, UBND TP chỉ đạo tăng cường công tác PCCC trên khắp địa bàn, đặc biệt tại những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như chợ truyền thống, chợ tạm, các khu phố cổ nội đô... TP cũng cấm kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ, đốt thả đèn trời, các loại pháo nổ.
 
Các địa phương tiến hành việc phá dỡ các barie, bục bệ, rào chắn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm cản trở công tác chữa cháy. Đối với các khu chung cư cao tầng, các cơ sở, ngành kinh tế trọng điểm như điện lực, xăng dầu, hóa chất, khí đốt, rừng và các cơ sở quan trọng về kinh tế, chính trị xã hội khác, TP chỉ đạo tăng cường công tác PCCC. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, UBND các cấp quan tâm đầu tư xây dựng phong trào toàn dân PCCC tại địa phương, đơn vị mình.
 
Lấy lực lượng PCCC cơ sở , dân phòng làm nòng cốt trong phong trào để hoạt động ngày một thiết thực, hiệu quả hơn. Xây dựng thế trận toàn dân PCCC để làm chủ tình hình, kiềm chế gia tăng cháy nổ, có khả năng chữa cháy ngay từ những "đốm lửa nhỏ" chính là nhiệm vụ then chốt trong phòng ngừa và ngăn chặn cháy nổ nhằm bảo vệ con người, tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.